Đầu tư tiền như thế nào trong năm 2020

Năm nay quả là một năm có nhiều biến cố, cả về kinh tế lẫn xã hội. Người bi quan thì sẽ thấy đó là khó khăn. Nhưng lạc quan như bạn và tôi thì hãy coi nó như là cơ hội. Cùng tìm hiểu xem trong năm 2020 này, chúng ta sẽ đầu tư tiền như thế nào.

Bài này chúng ta sẽ chỉ nói về việc đầu tư tiền thôi nhé. Còn kinh doanh thì sẽ trao đổi ở bài khác. Bạn mà chưa phân biệt được rõ lắm thì đọc lại ở đây nhé.

Quảng cáo

ĐẦU TƯ AN TOÀN

Trong đầu tư luôn có mức độ rủi ro và khẩu vị rủi ro của từng người là khác nhau. Nhưng tôi cứ tạm lấy mình ra làm ví dụ. Những khoản đầu tư mang lại lãi suất từ 8-11%/năm thì tôi sẽ coi đó là đầu tư an toàn. Dưới 8% thì coi nó là khoản tiết kiệm đi. Đầu tư an toàn thì thường tôi sẽ dùng để mua trái phiếu doanh nghiệp hoặc quỹ TCBF của Techcombank.

Tại sao lại phải phân biệt như thế là vì sẽ có những giai đoạn ngân hàng gọi vốn và đưa ra lãi suất cao 8-9%. Hoặc có những doanh nghiệp chào bán trái phiếu chỉ lãi khoảng 7% thôi. Vậy nên đừng nghĩ là cứ gửi ngân hàng thì là tiết kiệm mà mua quỹ hay trái phiếu thì là đầu tư. Hãy nhìn vào lãi suất để quyết định sử dụng vốn của mình cho hiệu quả.

Ví dụ, theo như phương pháp quản lý tài chính của tôi ở đây. Bạn sẽ được dùng 5% thu nhập để gửi tiết kiệm và 10% để cho danh mục an toàn. Tình huống là cuối tháng nhận lương, bạn thấy ngân hàng gần nhà đang huy động tiền gửi lãi 9%. Còn lúc đó trái phiếu doanh nghiệp chào bán cao nhất chỉ có 7.5% thôi. Vậy thì lúc này bạn phải quyết định dùng 10% thu nhập để gửi ngân hàng và 5% để mua trái phiếu.

ĐẦU TƯ MẠO HIỂM

Đầu tư mạo hiểm, đầu tư rủi ro… đều là những cách gọi của khoản này. Mạo hiểm tức là bạn phải xác định là nó sẽ mất, không phải mất một phần mà là mất hết. Vì mức độ rủi ro cao như thế nên lợi nhuận mà nó mang lại cũng sẽ rất lớn. Lợi nhuận cứ hơn 11%/năm thì được coi là rủi ro. Những kênh rủi ro có thể tính đến là cổ phiếu, ngoại hối, tiền điện tử.

Một ví dụ của đầu tư rủi ro là Bitcoin, tôi mua Bitcoin khi giá khoảng 4000$/coin. Tất nhiên vì biết nó là mạo hiểm nên chỉ mua 0.1 coin tức là bỏ ra 400$ thôi. Bây giờ thì giá Bitcoin là hơn 9000$/coin. Tức là lợi nhuận 225% nếu tôi bán. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ bắt chước tôi đi mua Bitcoin để chờ đến lúc nó lên 18000$ rồi bán. Thực tế là tôi chưa bao giờ biết được giá Bitcoin sẽ lên đến đâu, chỉ là tôi chấp nhận rủi ro sẽ mất hết 400$ nếu nó mất hết giá trị. Đầu tư mạo hiểm là như vậy, nếu số tiền bỏ ra có thể mất hết mà vẫn vui vẻ thì hẵng làm. (UPDATE 2021: ở thời điểm update lại bài này, giá Bitcoin khoảng gần 60.000$/coin. Tôi bán hết ở giá 18.000$ rồi và bây giờ ngồi nhìn chảy nước miếng).

Một ví dụ khác là ngoại hối hay còn gọi là forex. Tôi giao dịch ngoại hối hàng ngày từ thứ 2 đến thứ 6. Có lúc lợi nhuận 20%/tháng. Nhưng khoan đã, đừng vội kích động bạn ơi. Điều đó không có nghĩa là một năm tôi sẽ có lợi nhuận 240% đâu nhé. Như thế thì gấp cả chục lần Warren Buffett à.

Đầu tư mạo hiểm là thế, có thể tháng này bạn lãi 20% nhưng có thể sẽ lỗ luôn 50% vào tháng tiếp theo. Tài khoản sẽ trồi sụt như điện tâm đồ. Đó là lý do tôi chỉ đặt tối đa 2% tổng tài sản của mình vào ngoại hối. Nếu như có mất hết thì coi như đó là trò chơi. Nếu bạn chưa thống kê tài sản của mình thì có thể tham khảo ở đây.

Nếu bạn không phải là người giữ được tâm lý vững vàng và quản lý vốn một cách chặt chẽ thì lời khuyên của tôi là hãy tạm tránh xa những danh mục mạo hiểm.

TỔNG KẾT

Tổng kết lại kiến thức của ngày hôm nay là

  • Lãi suất dưới 8% thì hãy sử dụng ngân sách tiết kiệm để đầu tư.
  • Lãi suất từ 8-11% thì hãy sử dụng ngân sách đầu tư an toàn.
  • Lãi suất trên 11% thì hãy sử dụng ngân sách đầu tư mạo hiểm.

Tôi sẽ chỉ hướng dẫn về đầu tư mạo hiểm nếu bạn thực sự là đã được chuẩn bị kiến thức một cách kỹ càng. Chắc chắn là phải kiểm tra chứ không phải ai cũng có thể tham gia được. Nội dung này sẽ có trong tương lai, một thời gian nữa sau khi bạn hiểu tương đối tốt về quản lý tài chính của mình. Ngược lại thì đầu tư an toàn dành cho tất cả mọi người, tôi khuyến khích bạn tham gia ngay.

Nếu gặp khó khăn khi tìm hiểu thì cứ hỏi tôi ngay. Hỏi đáp các vấn đề tổng hợp thì vào group này bạn nhé.

Hẹn gặp lại ở bài sau!

Danh mục tài sản của tôi

Bài này tôi sẽ chia sẻ về danh mục đầu tư của mình. Có thể có tranh cãi về việc đâu là tài sản, đâu là tiêu sản nhưng nó thực sự không quá nghiêm trọng. Đối với tôi thì cái gì sản sinh được ra giá trị thì nó có thể được coi là tài sản. Cho bạn nào chưa phân biệt được thế nào là tài sản và tiêu sản thì chỉ cần đọc bộ này là thông ngay. Đây có thể được coi là bộ sách vỡ lòng về tiền.

Quảng cáo

Trước tiên thì tôi chỉ viết bài này với tính chất chia sẻ chứ không phải là lời khuyên đầu tư. Muốn đầu tư vào bất kỳ lĩnh vực nào phải luôn luôn nhớ quy tắc quản lý tài chính cá nhân của mình. Nếu gặp khó khăn thì bạn cứ mạnh dạn hỏi, tôi luôn trả lời.

Danh mục tài sản của tôi

TÀI KHOẢN DỰ PHÒNG

Tính đến thời điểm hiện tại, tài khoản này cover được khoảng 8 tháng sinh hoạt phí của tôi. Tài khoản này chiếm 2.1% tổng tài sản của tôi. Tài khoản này hiện đang giữ ở Techcombank và Finhay. Ở Tech thì một nửa gửi kỳ hạn 6 tháng lãi nhập gốc, một nửa mua quỹ TCFF. Ở Finhay thì gửi tiết kiệm bình thường, lãi được tính theo ngày giống TCFF nên rút bất cứ lúc nào cũng được. Mặc dù tài khoản này chỉ cần cover đủ 6-12 tháng sinh hoạt phí nhưng bạn cứ nạp thêm 5% thu nhập hàng tháng. Tiền càng nhiều càng đỡ rủi ro nhiều. (UPDATE 2021: Hiện tại tôi đã rút hết tiền ở Finhay chuyển sang TCBS, vì thích thôi chứ không có gì nghiêm trọng đâu).

TÀI KHOẢN TIẾT KIỆM

Tôi chia thành 3 phần gửi ở Techcombank, MB bank và Finhay. Luôn luôn chọn lãi nhập gốc, Hàng tháng vẫn đều đặn gửi thêm 5% thu nhập. Tổng số này chiếm 9.2% tổng tài sản. (UPDATE 2021: Again, đã rút hết tiền ở Finhay và MB rồi).

TÀI KHOẢN BẢO HIỂM

Tôi cũng có 3 hợp đồng ở 3 công ty khác nhau. Một ở FWD, một ở Generali và một ở Daiichi. Tổng 3 hợp đồng này chiếm 6.6% tài sản. Tất nhiên là hàng tháng tôi vẫn để dành thêm 5% thu nhập, bao giờ đủ một hợp đồng thì lại mua tiếp. Lần này sẽ chọn 1 công ty khác để trải nghiệm.

TÀI KHOẢN ĐẦU TƯ AN TOÀN

Tôi có 3 tài khoản đầu tư an toàn. Khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của Techcombank với lãi khoảng 8.5-9.4%/năm. Một khoản mua quỹ TCBF cũng của Tech. Khoản cuối thì chia ra mua 3 danh mục Rùa, Sao La, Trâu nước của Finhay. Tổng cả 3 khoản chiếm 9.2% tài sản. Hàng tháng vẫn nạp thêm 10% thu nhập để chia vào các tài khoản này. (UPDATE 2021: Tiền ở Finhay đã rút hết ra mua các quỹ ETF ở ABS).

TÀI KHOẢN ĐẦU TƯ MẠO HIỂM

Hiện tại tôi có 2 kênh đầu tư mạo hiểm. Một dành cho Forex, một dành cho Crypto. Tất nhiên nó là đầu tư mạo hiểm nên cả 2 kênh chỉ chiếm 1.8% tài sản thôi. Sắp tới sẽ quay lại với kênh cổ phiếu, có lẽ chỉ thêm 2% nữa thôi. Đầu tư mạo hiểm thì phải xác định tâm lý thoải mái trước. Tức là được thì trời cho mà mất thì là trò chơi. Nếu có nạp thêm thì mỗi tháng cũng chỉ không quá 10% thu nhập. (UPDATE 2021: Tôi đã quay lại với cổ phiếu sau 3 năm dỗi thị trường nghỉ chơi).

BẤT ĐỘNG SẢN

Phần gây tranh cãi ở đây. Có người thì cho rằng nhà là tiêu sản vì nó không sản sinh ra tiền. Nhưng với tôi nó là tài sản vì nó giúp tôi sản sinh ra sức lao động. Mà sức lao động thì có thể sản sinh ra tiền. Tuy đã mua nhà nhưng tôi cũng không khuyên các bạn trẻ nên mua nhà từ sớm. Nếu được lựa chọn lại thì tôi sẽ lựa chọn thời điểm mua là bây giờ chứ không phải là năm đó. Chắc chắn là nó chiếm tỷ trọng lớn nhất rồi, nó chiếm 52.6% tài sản của tôi. Ở thời điểm này tôi chưa có ý định đầu tư thêm cho khoản này nên có lẽ nó vẫn sẽ giữ nguyên tỷ trọng trong một thời gian dài.

PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN

Phần này còn gây tranh cãi hơn nữa. Có thể bạn sẽ nghĩ xe cộ thì làm sao mà là tài sản được. Nhưng với đặc thù công việc của mình thì chiếc oto giúp tôi tiết kiệm được rất nhiều tiền vận chuyển hàng hoá. Tiền sửa chữa bảo dưỡng vẫn rẻ hơn rất nhiều so với đi thuê người khác vận chuyển.

Còn với đặc thù văn hoá Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực tôi sinh sống thì chiếc xe máy đẹp giúp tôi dễ hơn trong công việc giao dịch với khách hàng. Nghe vô lý nhưng lại rất thuyết phục. Tôi cũng không ưa cái cung cách trọng vẻ bề ngoài này lắm nhưng biết sao được. Phải thuận theo sóng lớn thôi. Nếu có cơ duyên chuyển đến vùng khác sinh sống thì có lẽ tôi sẽ cắt giảm được khoản này. Khoản này đang chiếm 18.4% tài sản

À nhưng mà thực ra thì tôi cũng mê xe nên cứ tạm thuyết phục bản thân mình như thế. Xe máy hiện giờ chưa có nhu cầu đổi. Oto thì muốn đổi một chiếc lớn hơn để chở thêm nhiều hàng. Kế hoạch là trong vòng 2 năm tới sẽ đổi. Khoản này cũng nạp thêm mỗi tháng. Tiền sẽ trích 5% trong 15% hưởng thụ vì nó mang lại cảm giác hưởng thụ cho tôi. Chắc chắn là phải bớt đi chơi, đi ăn, đi mua sắm lại rồi. Kế hoạch là trong vòng 2 năm sẽ dùng nên chia một nửa mua quỹ TCBF và một nửa gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng. (UPDATE 2021: Hiện tại tiền tiết kiệm tôi cũng dùng để mua quỹ TCBF, xin lỗi các vị ngân hàng nghen).

TỔNG KẾT

Trên đây là danh mục tài sản của tôi. Tất cả chỉ mang tính tham khảo vì chúng ta sinh ra và lớn lên trong những điều kiện khác nhau. Nền tảng kiến thức và tâm lý cũng khác nữa. Nếu mà con nhà đại gia thì cũng không cần phải đau đầu mà tính toán như thế này.

Tuy nhiên chúng ta có một điểm chung đó là thích nói chuyện về tiền. Tôi cũng không phải là người quy củ cho lắm, cũng có nhiều khi chi tiêu vô độ không tính toán – thuận não phải mà. Cho nên cứ tạm lấy tôi là mốc thấp nhất, tôi làm được thì bạn cũng làm được.

Cùng chiến đấu bạn nhé, tôi sẽ đồng hành.

Tiến lên nào!

Lựa chọn ngân hàng

Sau vài bài viết này thì chắc bạn cũng đồng ý với tôi về những quan điểm về việc tiết kiệm và tối ưu hóa dòng tiền. Chỉ có điều giữa vô vàn dịch vụ ngân hàng, biết chọn dịch vụ nào cho hợp lý đây? Bài này tôi sẽ chia sẻ một số dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam mà tôi cho rằng thích hợp để sử dụng.

Quảng cáo

TIÊU CHÍ

Đầu tiên phải nói là tôi rất không thích việc đi đến quầy giao dịch chờ đợi và làm các thủ tục giấy tờ mất thời gian. Ngoài ra thì với đặc thù công việc, tôi phải nhận và chuyển khoản rất nhiều và liên tục. Vậy nên phí chuyển khoản cũng là một yếu tố được cân nhắc. Do đó có vài tiêu chí tôi tự đặt ra để lựa chọn một dịch vụ ngân hàng:

  • Ngân hàng phải có hạ tầng công nghệ tốt, phải có app chạy ngon và mượt mà
  • Phí chuyển khoản phải cực thấp, thậm chí bằng 0
  • Các giao dịch như tiết kiệm, đầu tư phải có thể thực hiện online mà không cần phải đến quầy giao dịch

Sau rất nhiều năm trải nghiệm thì hiện tại tôi giữ lại cho mình 2 ngân hàng mà tôi cho là thỏa mãn được các tiêu chí của mình

TECHCOMBANK

Tính đến thời điểm hiện tại thì đối với tôi Techcombank chưa làm tôi phải thất vọng về dịch vụ. Đợt vừa rồi có hơi bị lỗi app trong khoảng 1-2 ngày nhưng chắc đấy là lần duy nhất có vấn đề về kỹ thuật sau từng ấy năm sử dụng. Những ưu điểm của Tech có thể kể đến là

  • Chuyển khoản liên ngân hàng 24/7 ngay lập tức mà không mất một đồng phí chuyển khoản nào.
  • Các hoạt động như gửi tiết kiệm online hoặc đầu tư quỹ có thể thực hiện ngay trên app mà không cần phải ra quầy. Với Tech thì thấp nhất 1 triệu là bạn có thể gửi tiết kiệm online rồi.
  • Có thể mở tài khoản đầu tư trái phiếu, quỹ mở hay chứng khoán online.
  • Ngoài ra có một chức năng khá hay là bạn có thể rút tiền ở ATM mà chỉ cần mở app chứ không cần mang theo thẻ.
  • Một chức năng tôi khá hay dùng là nạp thẻ điện thoại qua app.

Nhược điểm thì

  • Chức năng tìm ATM và chi nhánh ngân hàng thi thoảng bị lỗi hoặc địa chỉ chưa chính xác.
  • Một số dịch vụ thanh toán hoặc ví điện tử chưa được liên kết
  • Dịch vụ bảo hiểm nhân thọ Manulife liên kết với Techcombank hơi cùi bắp. Cụ thể là nhân viên ngân hàng tư vấn bảo hiểm luôn nên về bản chất không hiểu về chuyên môn do đó tư vấn không được chính xác lắm. (Có thể chỉ đúng với một cá nhân đó chứ không phải toàn hệ thống).

Tổng quan mà nói thì cá nhân tôi chấm 9/10. Bạn có thể trải nghiệm dịch vụ của Techcombank ở đây

MB BANK

MB là ngân hàng quân đội, nên nghe cái là mình thấy khá an toàn rồi đấy. MB Bank thì tôi mới trải nghiệm không lâu nhưng tính đến giờ cũng chưa có vấn đề trở ngại gì lắm. Ưu điểm của MB Bank thì

Ưu điểm của MB Bank

  • Chuyển tiền liên ngân hàng và miễn phí thường niên khi tham gia gói “Gia đình tôi yêu”
  • Chuyển tiền cho người khác chỉ cần số điện thoại
  • Có thể thanh toán thẻ điện thoại, tiền điện nước qua app
  • Chẳng may đánh mất thẻ thì có thể khóa thẻ ngay trên app chứ không cần gọi điện đến tổng đài
  • Có thể mở tài khoản tiết kiệm với tối thiểu 1 triệu

Nhược điểm

  • Đầu tiên phải nói là cái logo quá xấu, bạn thông cảm vì tôi lại học cái ngành pha giữa kỹ thuật và mỹ thuật nên tôi hay để ý chuyện xấu đẹp
  • Nếu không tham gia gói “Gia đình tôi yêu” thì chuyển khoản vẫn mất phí

Ở thời điểm bài viết này thì MB Bank đang có khuyến mãi tải app về sẽ được quay số trúng thưởng 500k và miễn phí chuyển tiền trọn đời. Nếu đăng ký cả gói gia đình thì được quay số giải 5 triệu, bạn nào son thì biết đâu được giải đặc biệt 500 triệu nữa.

Gói “Gia đình tôi yêu” theo như tôi tìm hiểu là nếu bạn có con thì mỗi con sẽ được tặng 1 triệu vào sổ tiết kiệm. Đến năm con 15 tuổi thì cháu sẽ được sở hữu cái quyển sổ đó. Dù không nạp thêm tiền thì 1 triệu sau 15 năm ăn lãi kép cũng là một kèo khá thơm đấy chứ. Giả sử ông bà nội tôi còn sống mà tham gia cái gói đấy thì nhà tôi có 11 triệu rồi :D. Ngoài ra thì cả bố mẹ đều sẽ được miễn phí giao dịch trọn đời.

Chưa có gì nhiều để chê trách, tạm cho 8.5/10. Bạn có thể tải app MB Bank dưới đây

FINHAY

Finhay là một app sử dụng để tiết kiệm và đầu tư tài chính. Finhay liên kết với các ngân hàng Việt Nam nên bạn có thể gửi tiết kiệm gián tiếp thông qua app đến nhiều ngân hàng. Bạn có thể đầu tư thông qua các quỹ mở với lựa chọn khẩu vị rủi ro khác nhau với thấp nhất chỉ 50k. Ngoài ra còn có thể mua bảo hiểm ngay trên app. Tóm lại là gần như đủ mọi nhu cầu về đầu tư và bảo vệ tài chính

Ưu điểm:

  • App thiết kế đẹp, dễ sử dụng
  • Thiết kế các gói đầu tư theo kiểu unlock như chơi game, tức là bạn phải đầu tư từ các quỹ an toàn rồi mới mở đến các quỹ mạo hiểm được
  • Có thể tiết kiệm không kỳ hạn và rút ra bất cứ lúc nào mà vẫn được hưởng lãi đến ngày rút
  • Tiết kiệm và đầu tư chỉ với 50k
  • Có chức năng mua sắm hoàn tiền ngay trên app

Nhược điểm:

  • Chưa có nhiều lựa chọn ngân hàng để gửi tiết kiệm
  • App vẫn trong quá trình phát triển nên cần thời gian để hoàn thiện thêm các chức năng
  • Có thu phí bảo trì tài khoản từ 0.09%/ tháng

Tổng quan chấm 8.5/10. Bạn có thể trải nghiệm ở link dưới đây.

Trên đây là một số ứng dụng tôi sử dụng để tiết kiệm và đầu tư. Nếu bạn thắc mắc tại sao không dùng một cái thì chúng ta có nguyên tắc “Không để nhiều trứng vào một giỏ. Cho nên để giảm thiểu rủi ro tối đa, tôi chia tài khoản tiết kiệm và đầu tư cho nhiều ngân hàng khác nhau. Đây là những trải nghiệm cá nhân, nếu bạn có sử dụng app hoặc dịch vụ ngân hàng nào tiện ích hơn nữa, hãy chia sẻ lại với tôi nhé. Bài sau chúng ta bắt đầu đi sâu hơn vào lĩnh vực đầu tư.