Làm thuê chán quá – Bỏ việc được không

Ở bài trước tôi đã chia sẻ về một số khái niệm trong tài chính. Ở bài này chúng ta sẽ đi vào một chủ đề mà tôi chưa đề cập đến

Quảng cáo

LÀM THUÊ

Ai trong chúng ta đều cũng đã hoặc đang đi làm thuê cho người khác. Việc này là dễ nhất, vì thường chúng ta sẽ làm những công việc mà chúng ta có chuyên môn hoặc đã được đào tạo. Công việc làm thuê chỉ yêu cầu bạn có chuyên môn cộng thêm một số kỹ năng mềm khác là đã có thể sử dụng vài chục năm rồi.

Một level cao hơn của làm thuê là làm chuyên gia. Nếu bạn là chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó thì bạn sẽ được hưởng mức thù lao tương đối cao so với những người lao động bình thường. Làm thuê có thể là lao động chân tay hay lao động trí óc. Tất cả đều đáng quý cả, miễn là bạn cống hiến và thu lại được giá trị xứng đáng với công sức mình bỏ ra.

Vì là làm cho người khác nên bạn sẽ bị chi phối một phần nào đó bởi cá nhân hoặc tổ chức thuê bạn. Đối với những người không có nhu cầu thay đổi hoặc thoả mãn với công việc của họ thì họ có thể làm hàng chục năm mà không cần thay đổi.

Những quan điểm bạn được nghe ở các lớp làm giàu “highfive người bên cạnh” theo tôi là không đúng. Họ sử dụng sơ đồ ESBI (Kim tứ đồ) như một công thức trình tự và bắt chúng ta thay đổi suy nghĩ của mình. ESBI là một định nghĩa dược đưa ra bởi Robert Kiyosaki. Họ định hướng rằng cấp độ thấp nhất là Employee – Người làm thuê, rồi các cấp khác là Self-Employed – Người tự làm chủ, Business Owner – Người làm doanh chủ và cuối cùng là Investor – Người làm đầu tư.

Lại nhắc lại một lần nữa là tôi quan niệm mỗi cá nhân là khác biệt. Chúng ta lựa chọn lối sống và cách sống của mình. Đừng có bảo tôi phải tự sở hữu doanh nghiệp hay phải làm nhà đầu tư thì mới là đỉnh cao của cuộc đời. Tôi chỉ muốn đi làm thuê cho nhẹ đầu hoặc bạn chỉ muốn làm freelancer thì có sao đâu. Nếu đó là lựa chọn mà ta thấy hạnh phúc thì ta cứ theo đuổi nó.

BỎ VIỆC HAY KHÔNG

Tuy nhiên phải nói lại là, có một phần trong chúng ta vẫn mong muốn có được một di sản gì đó cho riêng mình. Sau một vài năm đi làm thuê, có thể bạn sẽ muốn tự kinh doanh hoặc tự đầu tư một cái gì đó. Một phần kiếm thêm thu nhập, cũng có thể một phần để khẳng định bản thân.

Tôi nhận được khá nhiều câu hỏi là “Đi làm chán quá rồi có nên bỏ việc hay không?. “Em mới mở cửa hàng, bán rất đắt khách. Hay em nghỉ việc công ty được không?”. “Em muốn nghỉ việc để start up. Kèo này thơm lắm, em sẽ sống chết với nó”. Hoặc “Em thấy người ta làm youtube hay quá, em cũng muốn nghỉ việc để làm”…

Nếu có suy nghĩ như vậy thì tôi lại khuyên bạn hãy bình tĩnh và xem xét lại tương quan giữa hai công việc bạn đang cân nhắc. Bạn có nhớ là chúng ta thường có tâm lý bỏ qua những bất lợi và tin tưởng vào thứ mình cho là đúng không? Dưới đây là 10 câu hỏi giúp bạn đánh giá sự lựa chọn của mình:

  1. Công việc cũ có độc hại với bạn không, cả về vật chất và tinh thần?
  2. Công việc cũ có thoả mãn cuộc sống của bạn không?
  3. Mục đích bạn làm công việc cũ là gì?
  4. Công việc cũ có khả năng phát triển không?
  5. Công việc này đã bao giờ là ước mơ của bạn chưa? Nếu có, lý do khiến bạn thay đổi là gì?
  6. Công việc mới của bạn mang lại thu nhập như thế nào so với công việc cũ? Đã đủ cover các chi phí cuộc sống như công việc cũ chưa?
  7. Công việc mới mang lại cảm xúc như thế nào so với công việc cũ?
  8. Công việc mới này có khả năng phát triển như thế nào? Bạn có kế hoạch cụ thể cho sự phát triển ấy chưa?
  9. Bạn có kiến thức thực sự về công việc mới này không? Kiến thức này đã đủ mang lại lợi nhuận chưa?
  10. Những người thông thái mà bạn biết cho bạn lời khuyên thế nào về sự lựa chọn này?

Bạn hãy thử trả lời những câu hỏi trên đây và gạch đầu dòng những ưu nhược điểm của hai công việc này. Phần nào nhiều điểm hơn là thứ bạn nên lựa chọn, ít nhất là ở thời điểm này. Những câu hỏi này bạn có thể trả lời lại vào một thời điểm khác để liên tục tự đánh giá.

IKIGAI

Ngoài ra, còn một bài test nữa giúp bạn đánh giá công việc hiện tại của mình. Đó là bài test Ikigai, Ikigai là một khái niệm của người Nhật. Theo đó họ định nghĩa Ikigai là “Mục đích của cuộc đời bạn”, “Lý do khiến bạn thức dậy mỗi buổi sáng là gì?” hay “Bạn đến trái đất này để làm gì?”. Dưới đây là sơ đồ Ikigai

Ikigai – Lý do tôi bỏ hành tinh của mình để đến trái đất

Sơ đồ IKIGAI gồm 4 vòng tròn lớn bao gồm:

  • LOVE – Thứ ta yêu thích
  • GOOD AT – Thứ ta giỏi
  • NEEDS – Thứ xã hội cần
  • PAID FOR – Thứ ta được trả công

Sự nghiệp mà chúng ta nên theo đuổi tốt nhất là thỏa mãn được 4 vòng tròn này. Nếu không tuân theo IKIGAI sẽ có những trường hợp sau xảy ra:

  1. LOVE + GOOD AT – Đây đơn thuần chỉ là đam mê, công việc này không giúp bạn kiếm được tiền, nó cũng không phải là công việc mà xã hội cần.
  2. GOOD AT + PAID FOR – Nếu theo đuổi mục tiêu này, bạn sẽ trở thành chuyên gia tuy nhiên đó không phải là thứ bạn yêu thích, cũng như thứ xã hội cần.
  3. PAID FOR + NEEDS – Nếu bạn chỉ làm những gì xã hội cần và bạn được trả công thì đây chỉ là một nghề nghiệp, nó không phải là thứ bạn yêu thích hay thứ bạn giỏi.
  4. NEEDS + LOVE – Những gì bạn làm chỉ vì tình yêu và trách nhiệm với xã hội thì nó là một sứ mệnh. Sứ mệnh là chưa đủ vì bạn không giỏi và cũng không được trả công xứng đáng.
  5. GOOD AT + LOVE + NEEDS – Nếu bạn làm những gì bạn giỏi, bạn yêu thích và xã hội cần thì bạn sẽ cảm nhận được niềm vui vẻ và hạnh phúc. Tuy nhiên sẽ không có được sự giàu có.
  6. LOVE + NEEDS + PAID FOR – Nếu công việc thỏa mãn 3 yếu tố này, bạn sẽ hài lòng nhưng luôn có cảm giác bất an vì nó không phải là thứ mà bạn giỏi.
  7. NEEDS + PAID FOR + GOOD AT – Công việc này cho bạn một cuộc sống thoải mái, đủ đầy nhưng luôn làm bạn thấy trống rỗng vì đơn giản nó không phải là thứ bạn yêu.
  8. PAID FOR + GOOD AT + LOVE – 3 vòng tròn này tạo nên một công việc giúp bạn thỏa mãn nhưng cũng lại khiến bạn cảm thấy mình vô dụng.

Tuyệt vời nhất là công việc của bạn thoả mãn 4 vòng tròn này. Tuy nhiên một người có thể có nhiều Ikigai nên cũng không cần phải lo lắng nếu thấy việc gì bạn cũng nên làm. Nếu bạn có nhiều Ikigai thì xin chúc mừng bạn, bạn quá may mắn. Vậy thì cứ thử từng Ikigai một.

Cuối cùng quay lại với cá nhân tôi. Tôi lựa chọn việc viết blog như một Ikigai của mình vì nó thoả mãn 4 vòng tròn ở trên. Thêm nữa nó còn là một công việc tôi có thể làm ngay khi vẫn đang làm một công việc khác của mình mà không cần thiết phải từ bỏ. Nếu bạn cũng có Ikigai là viết blog như tôi thì chúng ta sẽ bắt tay nhau và gặp lại nhau trong chủ đề này sớm.

Hy vọng qua bài này bạn sẽ đưa ra những nhận định sáng suốt cho mình để trả lời câu hỏi “Có bỏ việc hay không”. Tôi đi uống trà đá đây, hẹn gặp lại ở bài sau.

Kinh doanh, đầu tư, đầu cơ, khởi nghiệp

Kinh doanh, đầu tư, đầu cơ và khởi nghiệp. Mấy cái này nghe nó cứ lạ mà quen, cứ giống giống mà lại khác khác. Hình như tất cả đều có một điểm chung là để kiếm tiền. Vậy thì nó khác nhau ở điểm nào nhỉ? Làm rõ trong bài này nhé

Quảng cáo

KINH DOANH

Trước tiên, tôi không phải là một nhà kinh tế học nên chúng ta sẽ cố gắng đọc và hiểu theo cách bình dân vỉa hè thôi bạn nhé. Bắt đầu với Kinh doanh trước. Kinh doanh hay Business trong tiếng Anh nôm na là một hoạt động kinh tế liên quan đến việc sản xuất, phân phối hàng hoá hay các loại dịch vụ. Kinh doanh chủ yếu có 2 loại là offline và online.

Ví dụ bạn mở quán trà đá để bán kiếm lời thì đấy là một hoạt động kinh doanh offline. Nếu bạn mở một trang web và chỉ ship trà đá chứ không bán tại chỗ thì đấy là kinh doanh online. Bạn đun nước sôi rồi pha trà thì đó là sản xuất. Bán đến tay khách thì đấy là phân phối. Cái cậu ship trà đá lúc nãy thì làm dịch vụ giao hàng. Tạm hiểu như vậy.

ĐẦU TƯ

Đầu tư hay Investment là một hoạt động có mục đích sinh lời với hình thức mua một tài sản với giá trị thấp rồi bán ra sau một khoảng thời gian dài. Hoạt động đầu tư là một hoạt động đòi hỏi có kiến thức. Người đầu tư sẽ quan tâm đến giá trị và sự phát triển về lâu dài của tài sản mà mình mua.

Ví dụ, bà ngoại thấy quán trà đá của bạn kinh doanh khá ổn nên quyết định đưa tiền cho bạn để mở rộng từ 6 ghế lên 12 ghế. Trước khi đưa tiền thì bà ngoại bắt bạn chia lại 30% lợi nhuận bán được chẳng hạn. Vậy là bà ngoại đã nhìn thấy tiềm năng ở doanh nghiệp mini của bạn và đã quyết định ĐẦU TƯ tiền để bạn phát triển mạnh mẽ hơn. Nghe giống chứng khoán đấy chứ nhỉ.

Nó cũng có thể dưới dạng đầu tư công sức, thời gian và tiền bạc cho một mô hình kinh doanh. Ví dụ, trong lúc bạn ngồi bán trà đá trước cổng trường thì phát hiện ra bọn trẻ con rất thích ăn mấy cái đồ kiểu như thịt xiên nướng. Thế là bạn quyết định ĐẦU TƯ một cái bếp than và một cái quạt để bán thêm thịt xiên cho chúng nó mỗi khi tan học. Bạn đã bỏ tiền mua công cụ, bỏ thời gian ướp thịt và bỏ công nướng thịt để bán quanh năm. Thế nên đây cũng là một hình thức đầu tư.

ĐẦU CƠ

Trái ngược với đầu tư. Đầu cơ hay Speculation là một hoạt động kiếm lời có tính thời điểm. Thường có rủi ro cao nhưng lợi nhuận cũng lớn. Các hoạt động đầu cơ thường chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn.

Một ví dụ của đầu cơ là việc ôm một đống khẩu trang mùa dịch vừa qua rồi đẩy giá lên cao để kiếm lời. Hoặc, bạn có bà dì ở quê, nhân dịp giá vải thiều xuống thấp thì đánh một xe tải 2.5 tấn về Bắc Giang mua rồi mang về Hà Nội bán giá cao hơn. Vì vải chỉ có mùa vụ nên bạn chỉ bán hết mùa là nghỉ. Chính vì vậy đây là hình thức ĐẦU CƠ.

KHỞI NGHIỆP

Khởi nghiệp theo ý tôi muốn nói không phải là khởi đầu một sự nghiệp mà là khởi nghiệp sáng tạo. Là cái start-up mà vô tuyến vẫn hay nói mấy năm vừa qua đấy. Đặc điểm của khởi nghiệp sáng tạo là thất bại đến 99% nhưng nếu thành công sẽ mang đến quả ngọt hơn bao giờ hết. Lúc này doanh nghiệp của bạn sẽ x5, x10 hay thậm chí x hàng trăm hàng nghìn lần giá trị ban đầu. Những grab, uber, airbnb … chính là những ví dụ điển hình về khời nghiệp sáng tạo.

Lại quay lại với quán trà đá của chúng ta. Sau vài năm kinh doanh khá ổn với việc bán trà và thịt xiên nướng trước cổng trường tiểu học. Bạn có một ý tưởng đột phá là xuất khẩu văn hoá trà đá sang cả nước ngoài. Bạn tạo web, thuê sale, mô hình của bạn là không đun nước bán trực tiếp nữa mà sẽ tạo một app bán trà đá. Bất cứ ai muốn uống trà đá chỉ cần quẹt quẹt rồi sau đó ở bất cứ đâu trên thế giới sẽ có nhân viên đến pha trà châm thuốc cho bạn.

Từ Hà Nội đến London, từ Bắc Ninh đến New York, từ Hưng Yên đến Washington DC. Bạn thống trị ngành này, bạn đến Shark Tank và gọi được vốn 10 triệu đô cho 5% cổ phần. Và thế là bạn thành triệu phú với chỉ với 5 triệu Việt Nam đồng mở quán ngày đầu.

TỔNG KẾT

Tóm cái váy lại những câu chữ tếu táo của tôi ở trên cũng là để cho chúng ta có cách hiểu đúng về những công việc sản sinh ra tiền.

Hy vọng là qua bài này, ít nhất bạn cũng đừng dùng sai từ khi nói về những hoạt động kinh tế này nhé. Nếu ông nào bảo “đầu tư bất động sản” mà mua miếng đất rồi bán ngay sau 3 tháng thì bạn cứ mạnh dạn đứng lên mà cho hắn một bài giảng. Còn doanh nhân thành đạt nào rủ bạn góp vốn để “kinh doanh chứng khoán” thì bạn cứ thẳng tay. Đầu tiên là cái mặt bàn, sau đấy là cái mặt nó 😂

Bây giờ nhìn lại những khái niệm ở trên, bạn có thấy tôi cố tình sắp xếp nó theo độ khó tăng dần không? Độ khó thấp tương đương với lợi nhuận thấp nhưng an toàn và bền vững. Vậy nên hãy cứ bắt đầu với những gì an toàn và bền vững trước nhé.

Cuối cùng thì nếu có thể đưa ra một lời khuyên. Tôi khuyên bạn hãy luôn đầu tư cho bản thân mình trước, đầu tư cho trải nghiệm, cho kiến thức là khoản đầu tư không bao giờ thua lỗ.

Hôm nay tạm dừng ở đây, hôm tới sẽ đi vào chi tiết từng vấn đề. Chúc chúng ta thật nhiều may mắn.