Chứng khoán 101(P.3) – Thị trường chứng khoán

Bài trước: Chứng khoán 101(P.2) – Những loại hình đầu tư

Tiếp tục series Chứng khoán 101, sau khi đã lựa chọn thị trường chứng khoán để phù hợp với người mới. Phần 3 này tôi sẽ trình bày sâu hơn. Cụ thể là thị trường chứng khoán Việt Nam.

Quảng cáo

THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Thị trường chứng khoán là nơi diễn ra những hoạt động mua bán, trao đổi những loại chứng khoán khác nhau. Có thể hiểu đơn giản thị trường chứng khoán giống như một cái chợ. Bạn có thể đến đó trao đổi các loại chứng khoán với nhà nước, các doanh nghiệp hoặc với những nhà đầu tư khác giống như bạn.

Đấy là nói đơn giản, còn sâu hơn một chút thì bạn phải hiểu về các đối tượng tham gia trong thị trường đã. Chúng ta có:

  • Ủy ban chứng khoán nhà nước
  • Sở giao dịch chứng khoán
  • Công ty chứng khoán
  • Công ty niêm yết
  • Nhà đầu tư

ỦY BAN CHỨNG KHOÁN NHÀ NƯỚC

Ủy ban chứng khoán nhà nước thì chỉ có 1 thôi, coi như là ông chủ của cái chợ đấy đi. Đại khái là vị này sẽ quản lý và giảm sát tất cả những hoạt động diễn ra trong cái chợ đó. Boss đấy. Bạn nào bán hàng rởm hàng fake hay có ý định gian lận gì đó là ông này xử lý ngay.

SỞ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN

Sau ông boss là đến Sở giao dịch chứng khoán hay mọi người vẫn gọi dân dã là Sàn đấy. Vẫn là cái chợ, nhưng trong cái chợ đấy có mấy tòa nhà, để bạn đến đấy và mua bán ấy mà. Mỗi tòa nhà đấy là một sở giao dịch chứng khoán. Ở Việt Nam thì có 3 cái tên bạn cần nhớ thôi. Một là HOSE (Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh), HNX (Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội) và UPCOM (Sàn giao dịch chứng khoán chưa niêm yết). Trong đó thì UPCOM được tổ chức ở trong HNX.

Nếu cần mua bán thì bạn phải mua bán ở 1 trong 3 cái tòa nhà đấy (tất nhiên là có thể làm online được). Tuy nhiên hàng hóa trong mỗi nơi sẽ có những tiêu chuẩn riêng. Loại cao cấp nhất thì hay có ở HOSE, sau đó là HNX và cuối cùng là UPCOM. Chưa cần băn khoăn lắm đâu, tôi vẫn giao dịch ở trên cả 3 sàn chỉ với 1 tài khoản.

CÔNG TY CHỨNG KHOÁN

Tiếp theo chúng ta đến với các gian hàng bên trong, chính là những Công ty chứng khoán. Để thực sự mua bán hàng hóa thì bạn phải đăng ký tài khoản ở 1 trong những công ty này. Kiểu như làm thẻ membership đấy. Bạn chỉ cần vào một gian hàng bất kỳ thôi là mua hàng hóa ở tòa nhà nào cũng được. Có tài khoản rồi thì bạn có thể mua bán, tất nhiên phải trả một chút phí giao dịch cho mấy ông chủ gian hàng. (Xem ông nào thu ít phí nhất ở đây nhé).

CÔNG TY NIÊM YẾT

Tiếp nữa, chúng ta đến chợ để mua bán hàng hóa. Và các công ty niêm yết là những thương hiệu hàng hóa. Tuy nhiên những thương hiệu này không chỉ có mỗi cổ phiếu. Ngoài ra họ còn những dòng sản phẩm như trái phiếu, chứng quyền, chứng chỉ quỹ…

NHÀ ĐẦU TƯ

Cuối cùng là nhà đầu tư, chính là chúng ta. Hình dung một buổi shopping của chúng ta sẽ thế này. Sáng ra bạn đến chợ, vào gian hàng mình đã có thẻ member. Sau đó dạo quanh thị trường một chút và mua một số hàng hóa bạn thích với kỳ vọng sẽ có lợi sau này. Một thời gian sau, nếu muốn bán thì bảo với ông chủ quầy một tiếng. Bạn ký gửi hàng của mình ở đấy, bán xong rồi thì ổng lấy một tí %. Bạn cầm tiền về đi ăn đi chơi hoặc hôm sau lại đi nhập hàng tiếp.

NHỮNG CHỈ SỐ TIÊU BIỂU

Chỉ số là một phương tiện để đánh giá sức mạnh của thị trường. Chỉ số nổi tiếng nhất là là VN Index, đại diện cho tất cả cổ phiếu được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Vì vậy, chỉ số VNI có thể phần nào cho thấy tình hình kinh tế chung của Việt Nam. Tuy nhiên không có nghĩa là chỉ số VNI tăng/giảm thì tất cả cổ phiếu trong đó đều có xu hướng tương tự. Vẫn sẽ có những trường hợp một số cổ phiếu đi ngược hướng với thị trường.

Ngoài ra, chúng ta còn có các chỉ số như HNX Index đại diện cho tất cả cổ phiếu niêm yết trên sàn HNX. UPCOM Index là tất cả cổ phiếu trên sàn UPCOM. Hay một số chỉ số đặc biệt khác được những quỹ đầu tư ETF sử dụng. (Xem thêm Lựa chọn quỹ đầu tư).

TỔNG KẾT

Hết phần 3 ở đây, hy vọng bạn đã hiểu về cách thức hoạt động của thị trường chứng khoán. Phần 4 sẽ là các loại hàng hóa chúng ta có thể mua bán trong chợ nhé.

Sự trưởng thành của nhà đầu tư

Để thực sự trở thành 1 nhà đầu tư kinh nghiệm. Gần như tất cả các F0 đều phải trải qua một quá trình phát triển giống nhau. Điều đặc biệt là sự phát triển này không đến nhiều từ kiến thức kỹ thuật hay gia tăng số vốn mà nó lại đến từ sự trưởng thành trong tâm lý giao dịch. Giống như 81 kiếp nạn của thầy trò Đường Tăng vậy. Phải trải qua đủ 81 lần thì mới lấy được kinh thư. Với nhà đầu tư thì chúng ta sẽ chỉ phải update bản thân khoảng 5 lần trong game tài chính này thôi. Tuy nhiên mất bao nhiều thời gian thì nó lại phụ thuộc vào từng cá nhân.

Quảng cáo

HỒI 1 – TÂN THỦ

Có nhiều cơ duyên dẫn đến việc một thôn dân thiện lành hàng ngày gánh nước tưới rau quyết định bôn tẩu giang hồ. Có thể là nghe ngóng những câu chuyện dân gian về giang hồ ngoài kia lộng lẫy và đẹp đẽ. Có thể là tự nhiên ngã xuống núi nhặt được bí kíp hay gặp được cao nhân. Nhưng nhìn chung khi quyết định cất quốc xẻng để cầm đao kiếm lên, họ gần như chưa lường trước được giang hồ ngoài kia hiểm ác đến thế nào.

Ban đầu trải qua vài cuộc trao đổi chiêu thức với đám thổ phỉ ở ngọn núi gần nhà và dành chiến thắng. Họ rơi vào ảo tưởng là thực ra giang hồ cũng dễ kiếm ăn thôi mà. Với khả năng của mình chẳng mấy chốc cũng sớm được lên Hoa Sơn luận kiếm. Thế mà anh em cứ bảo giang hồ hiểm ác lắm. Họ thầm nghĩ “Haizz, đúng là những tấm chiếu mới!”.

Giai đoạn chiến thắng này nếu kéo dài thì có thể lên đến 1-2 năm, ngắn ngủi thì một vài tháng. Giai đoạn đầu đời này đánh đâu thắng đấy. Một mình một ngựa đánh đấm không biết sợ ai.

Thường thì giai đoạn này kết thúc khi họ bắt đầu có những cú giao dịch thua đậm, thậm chí là thua hết những gì mình đã thắng. Rồi vị tân thủ bắt đầu nhận ra là giang hồ này quả thật là hiểm ác. Không thể chỉ trông mong vào may mắn được. Phải tìm sư phụ thôi.

HỒI 2 – TẦM SƯ HỌC ĐẠO

Sau khi đã thấm đòn và nhận ra thực ra mình mới là chiếu mới. Vị tân thủ bắt đầu nghĩ rằng mình phải học thêm võ công thì mới có thể sống sót trên thị trường được. Lúc này họ mua tất cả sách vở có thể tìm được để đọc, chỉ cần có keyword liên quan đến tài chính hoặc tiền là đọc. Nghe nói ở đâu có cao thủ là đến dập đầu xin học. Họ tham gia vào tất cả các hội quán, các room… để giao lưu võ thuật. Thấy ai hô hào đi đánh cướp là đi theo, ai bảo đi săn thú rừng là lên đường. Tóm lại là vào tất cả các kèo người khác cho.

Họ thử hết tất cả các phương pháp có thể, đầu tư vào bất kỳ ngành gì cảm thấy tiềm năng. Thậm chí thử cả những môn võ công tà đạo như đi vay tiền để đầu tư. Có những người sau khi đã thân tàn ma dại thì quyết tâm về quê làm lại cuộc đời, mãi mãi tránh xa chốn máu chảy đầu rơi. Có người thì mãi mãi không vượt qua được, thử hết môn võ công này đến công phu khác rồi tẩu hỏa nhập ma mà chết. Số ít còn lại vì niềm tin nào đó vẫn cố bám trụ lại.

Giai đoạn này kéo dài từ 1 vài năm đến vô cùng. Số người thất bại thì luôn luôn hận thù, cho rằng thị trường tài chính chỉ là trò lừa đảo. Tất cả chuyên gia đều là bọn lùa gà hết, làm gì có ai ăn được tiền đâu. Một số chọn cho mình cách từ bỏ, vĩnh viễn không bao giờ quay lại. Số khác thì sống dở chết dở, càng đánh càng thua. Tiền cứ hết dần hết mòn, cứ thế họ tiếp tục giao dịch trong sự căm phẫn.

HỒI 3 – THÂN TÀN MA DẠI

Lúc này vì tẩu hỏa nhập ma, người không ra người nữa. Họ sống lay lắt trong hang động, ngày ngày khắc lên vách đá lời chửi rủa chốn giang hồ thâm hiểm. Môn võ công nào cũng biết một ít. Nội công ngoại công môn nào cũng biết sử dụng. Tuy nhiên giao đấu thì lúc thắng lúc thua. Vẫn ở trong giang hồ nhưng đã bớt ảo tưởng trở thành cao thủ võ lâm. Chỉ mong có cơm ăn là tốt rồi.

Giai đoạn này có thể kéo dài nhiều năm trời, họ vẫn sống nhưng mơ hồ nhận ra một điều gì đó. Phải chăng là không có môn công phu nào là thiên hạ vô địch. Hình như ở bên nước Tống có đại cao thủ Bắc Kiều Phong cả đời chỉ luyện một môn Hàng long thập bát chưởng mà xưng bá võ lầm. Hình như võ công không sai mà do người luyện sai. Hình như các thứ blah blah gì đó…

HỒI 4 – NGỘ

Đến một ngày, sau khi nhận ra thời gian đã biến mình thành một tấm chiếu cũ. Họ thức tỉnh rằng không có môn võ công nào sinh ra là để xưng bá. Họ từ bỏ hết công phu ngoại đạo, chuyên tâm luyện 1 môn duy nhất. Họ bắt đầu nhận ra không phải cứ vốn nhiều là chắc thắng và vốn ít sẽ thua. Nhà đầu tư tập trung tu luyện song song kỹ thuật, quản lý vốn và tâm lý bản thân.

Giai đoạn này vẫn có những trận thua nhưng họ chấp nhận mà không thù hằn nữa. Họ hiểu rằng mình phải hoàn thiện kỹ năng hơn nữa. Họ bắt đầu không lui tới nhiều hội quán nữa. Họ chỉ ở lại một nơi có những người cũng đang nhận ra những điều giống mình. Khi ra ngoài hành hiệp đã biết đánh biết lui. Chiến thắng bắt đầu nhiều hơn, sự tự tin quay trở lại càng làm họ tập trung rèn luyện phương pháp của mình.

Một nhà đầu tư với tu vi bình thường sẽ phải trải qua khoảng 3-5 năm để hoàn thiện giai đoạn này. Lúc này họ có cảm giác mình đã đặt được 1 chân vào giới cao thủ.

HỒI 5 – CAO THỦ

Sau nhiều năm hành tẩu, họ đã chính thức được xếp vào hàng những cao thủ đương thời bấy giờ. Nghe nói chỉ 5-10% gì đó số người thành công trên thị trường tài chính. Lúc này vị cao thủ chỉ ra một đấm cũng làm cho đám trộm cướp kinh hồn bạt vía. Thương thì họ sẽ dành chiến thắng trong hầu hết các trận đấu nhưng với họ thắng thua đã không còn quan trọng nữa. Họ đánh đơn thuần là vì họ muốn đánh.

Bây giờ tiếng nói của họ đã được lắng nghe trong hội quán. Họ ít lui tới nhưng tân thủ tìm đến họ để xin lời khuyên. Việc giao đấu với họ giờ như chuyện đánh răng rửa mặt buổi sáng. Mọi thứ trở thành bản năng tức là tự nhiên không cần phải cố gắng gì cả.

Một số nhà đầu tư chọn cho mình sự quan tâm khác, tận hưởng cuộc sống điền viên. Lúc nào muốn thư gân giãn cốt thì lên Hoa Sơn đấm đá một trận. Một số thì muốn nhận đệ tử. Có lẽ lúc này thách thức mà họ muốn đối mặt là dạy người khác làm được như mình.

HỒI 6 – LÊN NÚI

Cuối cùng sau bao năm tháng miệt mài tu luyện. Điều cuối cùng vị cao thủ nhận ra là cuối cùng có lẽ mình đã hoàn thành sứ mệnh cuộc đời. Ông cưỡi ngựa về núi Tản Viên, mỉm cười như Thanos. Quay đầu nhìn lại quê hương rồi bay về trời. (Chỉ có 5 hồi thôi, đoạn này bịa đấy).

HẾT.

À nếu thích giao lưu võ thuật thì vào hội quán này nhé.

Bí mật của quản lý vốn

Để thành công trên thị trường tài chính, chúng ta cần phát triển song song 3 yếu tố. Thứ nhất là kỹ thuật giao dịch, thứ hai là tâm lý giao dịch và cuối cùng là phương pháp quản lý vốn. 3 yếu tố này như một chiếc kiềng ba chân giúp chúng ta không bị xô ngã khi đứng trên thị trường đầy khốc liệt này. Mặc dù quản lý vốn được nhắc đến cuối cùng nhưng theo tôi nó lại là yếu tố có phần quyết định thành công của bạn. Vậy quản lý vốn là gì và ứng dụng nó bằng cách nào. Tôi sẽ trình bày trong bài này.

Quảng cáo

LÝ THUYẾT XÁC SUẤT

Thị trường tài chính là một thị trường mang tính xác suất. Có nghĩa là nó bao hàm những sự kiện có thể hoặc không thể xảy ra. VNI sẽ vượt 1200 điểm hay sẽ về 800 điểm đều là những nhận định có tính “khả năng”. Tức là nó có thể lên hoặc có thể xuống. Nếu chúng ta không có nhiều dữ liệu hơn thì tỷ lệ của cả 2 nhận định này là 50/50.

Một ví dụ kinh điển của xác suất chính là việc tung đồng xu. Như bạn đã biết, 1 đồng xu có 2 mặt sấp/ngửa. Khi tung đồng xu chúng ta nhận được xác suất là 50% cho mặt ngửa và 50% cho mặt sấp. Sự kiện này sẽ càng chính xác nếu số lần thử của bạn càng lớn. Ví dụ, nếu tung 10 lần có thể bạn sẽ nhận được kết quả là 6 ngửa 4 sấp. Nhưng nếu tung đến 100, 1000 hoặc 10000 lần thì kết quả sẽ gần như tiệm cận tỷ lệ 50/50.

Vậy thì có phải tài chính thực ra chỉ là một trò chơi may rủi 50/50 không? Thế thì khác gì một trò chơi cờ bạc? Chúng ta lại phải tìm hiểu tiếp một thứ gọi là “Lý thuyết trò chơi”.

LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI

Lý thuyết trò chơi là một cách tiếp cận để hiểu và phân tích hành vi hay quyết định của mỗi cá nhân và các nhóm cá nhân trong một tình huống mâu thuẫn. Về cơ bản có hai loại trò chơi đó là “Trò chơi có tổng bằng không” và “Trò chơi có tổng khác không”.

  1. Trò chơi tổng bằng không: là một tình huống trong lí thuyết trò chơi, trong đó những gì một người kiếm được tương đương với những gì người khác mất đi, do đó thay đổi ròng về tài sản hoặc lợi ích là bằng không. Một trò chơi có tổng bằng không có thể có ít nhất hai người chơi hoặc hàng triệu người tham gia.
  2. Trò chơi tổng khác không: mô tả một tình huống trong đó các khoản lãi và lỗ tổng hợp của các bên tương tác có thể nhỏ hơn hoặc nhiều hơn 0. Đơn giản là số điểm hoặc số tiền thắng được của người này không phải là số tiền hoặc số điểm mất đi của người khác. Do đó thay đổi ròng về tài sản hoặc lợi ích khác không. Giống như tổng bằng không, trò chơi tổng khác không có thể gồm 2 hoặc hàng triệu người tham gia.

THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ TRÒ CHƠI GÌ

Thị trường chứng khoán rất rộng lớn nên thực tế là sẽ có những loại hình khác nhau trong nó. Thị trường quyền chọn và hợp đồng tương lai là các ví dụ về các “Trò chơi có tổng bằng không”. Vì các quyền chọn và hợp đồng tương lai về cơ bản là đánh cược về mức giá tương lai của một mặt hàng nhất định trong khoảng thời gian cố định. Như vậy khi một người kiếm được tiền thì sẽ có một người khác chịu lỗ tương ứng. Ngoài ra thì việc giao dịch bằng phương pháp lướt sóng trên thị trường chứng khoán cơ sở cũng có thể coi là một “Trò chơi có tổng bằng không”.

Vậy có tình huống nào mà ở đó thị trường chứng khoán là “Trò chơi có tổng khác không” không? Câu trả lời là CÓ!

Bạn nhớ về việc tung đồng xu chứ, chúng ta thử cá cược với nhau một trò chơi như sau. Giả sử mỗi lần ra ngửa bạn được tôi trả 1.000 đồng, còn sấp thì bạn mất 1.000 đồng. Đây sẽ là một trò chơi có tổng bằng không nếu chúng ta cứ tung như vậy. Có thể hôm nay bạn thắng nhưng ngày mai bạn lại thua tôi. Về lâu dài, nếu chúng ta cứ chơi như vậy đến hết đời thì cuối cùng tiền ai cũng về nhà nấy.

Nhưng nếu giả sử tôi với bạn tổ chức một chương trình gameshow và với mỗi lượt người xem thì cả tôi và bạn đều được chia tiền thì đó chính là một trò chơi có tổng khác không. Dù tôi thắng hay bạn thắng thì chúng ta vẫn có tiền.

Trong chứng khoán việc đầu tư dài hạn vào những doanh nghiệp tốt là một tình huống có tổng dương vì dòng vốn tạo điều kiện cho sản xuất, tạo ra việc làm. Các việc làm này lại tạo ra sản xuất, thu nhập và lợi nhuận quay trở lại đầu tư theo chu kì mới. Hơn thế nữa, cổ tức cũng là một yếu tố cần được nhắc đến khi nghiên cứu. Khi các doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận từ việc kinh doanh, họ sẽ chia sẻ một phần lợi nhuận này với các cổ đông dưới dạng cổ tức. Đây là một “Win-Win Situation”. Là một tình huống nữa khiến cho việc đầu tư dài hạn vào chứng khoán là một “Trò chơi có tổng khác không” thậm chí là “Trò chơi có tổng dương”.

BÍ MẬT CỦA QUẢN LÝ VỐN

Đến đây, nếu tạm coi là với phương pháp đầu tư dài hạn thì chứng khoán là một trò chơi có tổng dương thì có nghĩa về mặt xác suất chứng khoán là một trò chơi có tỷ lệ lớn hơn 50/50. Bởi vì không có doanh nghiệp nào muốn tự mình làm ăn thua lỗ cả. Tất nhiên là phải có kỹ thuật, tâm lý và quản lý vốn tốt thì bạn mới có phương pháp giao dịch để tạo ra xác suất trên 50% .

Lại quay lại với việc tung đồng xu, lần này bạn đấu với Mr. Market. Mỗi giao dịch của bạn là 1 lần tung đồng xu. Nếu ngửa thì lãi còn sấp thì lỗ. Vậy thì để cho xác suất xảy ra bạn phải tung càng nhiều lần càng tốt. Vì bạn biết rằng tỷ lệ chiến thằng của mình là trên 50% nên càng tồn tại trên thị trường lâu thì xác xuất chiến thắng của bạn càng cao. Tuy nhiên xác suất không hoạt động theo kiểu 50 lần thắng liên tiếp sẽ thua 50 lần liên tục tiếp theo. Có thể sẽ xảy ra trường hợp trên 100 giao dịch, bạn thắng 10 lần, thua 20 lần rồi thắng 30 lần và lại thua 5 lần…

Việc all-in vào một mã hay giao dịch khối lượng chênh lệch giữa các mã trong danh mục sẽ khiến cho cơ hội xảy ra xác suất chiến thắng của bạn thấp. Kiểu như có khi lúc thắng được 1.000 đồng thì thua lại đến cả 3.000đ. Nói nôm na là khi chưa tung đủ 100 lần thì bạn đã hết tiền để tung rồi.

VÍ DỤ THỰC TẾ

Dưới đây là kết quả của danh mục những mã cổ phiếu Việt Nam tôi khuyến nghị trong group riêng

Bạn có thể thấy là mặc dù tổng của danh mục vẫn là dương nhưng trên tổng 23 mã thì có đến 4 mã âm. Tất nhiên là công ty nào cũng tốt ở trong thời điểm phân tích thì tôi mới khuyến nghị mua. Nhưng giả sử bạn chỉ chọn lọc một vài mã trong này để mua theo một phân tích riêng hoặc cảm tính gì đó. Chẳng may nó lại trùng hợp vào những mã đang âm. Thì trường hợp xảy ra là cùng nhận được những khuyến nghị như nhau nhưng có người lãi có người lại lỗ. Tệ hơn nữa mặc dù có khuyến nghị hàng tuần nhưng sau khi lỗ bạn đã không còn tiền để làm lại.

Tất nhiên sẽ có những suy nghĩ như giả sử bạn chỉ mua một ít mã nhưng nó lại trúng những mã lãi lớn như NHA, CAP, IDV… thì sao. Rõ ràng là bạn sẽ được nhiều tiền hơn vì không phải chịu lỗ. Nhưng sự thật là tất cả những mã ở trên được tôi phân tích theo 1 phương pháp, tức là nó tốt ngang nhau ở thời điểm mua. Và việc mua nhiều mã là cách để tôi tự bảo vệ mình nếu phân tích đi theo hướng xấu. Đơn giản vì tôi là người đầu tư chứ không phải một con bạc. Việc đầu tiên tôi nghĩ đến khi xuống tiền là rủi ro chứ không phải lợi nhuận.

TỔNG KẾT

Như vậy khi tham gia đầu tư vào thị trường chứng khoán, nếu bạn không có nhiều kinh nghiệm thì chỉ cần tránh xa những “Trò chơi có tổng bằng không”. Thêm nữa, hãy chọn cách đầu tư dài hạn, đừng mua những cổ phiếu mà bạn nghĩ đây là giá tốt nhất rồi và một thời gian sau bạn có thể xả lên đầu người khác. Một cổ phiếu tốt là một cổ phiếu mà người mua ở mức giá nào cũng là giá tốt.

Ngoài ra sau khi lập danh mục đầu tư, hãy xác định khối lượng vào lệnh bằng nhau ở mỗi lần giao dịch. Khối lượng ở đây là tiền chứ không phải số lượng cổ phiếu. Ví dụ, bạn xác định mỗi lần giao dịch chỉ dùng 5 triệu đồng, thì mã nào cũng phải giao dịch khoảng từng đó. Điều này đảm bảo cho xác suất chiến thắng của bạn cao hơn.

Bài này đến đây là hết, nếu có bất cứ thắc mắc hay góp ý gì hãy để lại bình luận cho tôi nhé. Ở đây hoặc Twitter của tôi nhé.

See you and good luck!