Bí mật của quản lý vốn

Để thành công trên thị trường tài chính, chúng ta cần phát triển song song 3 yếu tố. Thứ nhất là kỹ thuật giao dịch, thứ hai là tâm lý giao dịch và cuối cùng là phương pháp quản lý vốn. 3 yếu tố này như một chiếc kiềng ba chân giúp chúng ta không bị xô ngã khi đứng trên thị trường đầy khốc liệt này. Mặc dù quản lý vốn được nhắc đến cuối cùng nhưng theo tôi nó lại là yếu tố có phần quyết định thành công của bạn. Vậy quản lý vốn là gì và ứng dụng nó bằng cách nào. Tôi sẽ trình bày trong bài này.

Quảng cáo

LÝ THUYẾT XÁC SUẤT

Thị trường tài chính là một thị trường mang tính xác suất. Có nghĩa là nó bao hàm những sự kiện có thể hoặc không thể xảy ra. VNI sẽ vượt 1200 điểm hay sẽ về 800 điểm đều là những nhận định có tính “khả năng”. Tức là nó có thể lên hoặc có thể xuống. Nếu chúng ta không có nhiều dữ liệu hơn thì tỷ lệ của cả 2 nhận định này là 50/50.

Một ví dụ kinh điển của xác suất chính là việc tung đồng xu. Như bạn đã biết, 1 đồng xu có 2 mặt sấp/ngửa. Khi tung đồng xu chúng ta nhận được xác suất là 50% cho mặt ngửa và 50% cho mặt sấp. Sự kiện này sẽ càng chính xác nếu số lần thử của bạn càng lớn. Ví dụ, nếu tung 10 lần có thể bạn sẽ nhận được kết quả là 6 ngửa 4 sấp. Nhưng nếu tung đến 100, 1000 hoặc 10000 lần thì kết quả sẽ gần như tiệm cận tỷ lệ 50/50.

Vậy thì có phải tài chính thực ra chỉ là một trò chơi may rủi 50/50 không? Thế thì khác gì một trò chơi cờ bạc? Chúng ta lại phải tìm hiểu tiếp một thứ gọi là “Lý thuyết trò chơi”.

LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI

Lý thuyết trò chơi là một cách tiếp cận để hiểu và phân tích hành vi hay quyết định của mỗi cá nhân và các nhóm cá nhân trong một tình huống mâu thuẫn. Về cơ bản có hai loại trò chơi đó là “Trò chơi có tổng bằng không” và “Trò chơi có tổng khác không”.

  1. Trò chơi tổng bằng không: là một tình huống trong lí thuyết trò chơi, trong đó những gì một người kiếm được tương đương với những gì người khác mất đi, do đó thay đổi ròng về tài sản hoặc lợi ích là bằng không. Một trò chơi có tổng bằng không có thể có ít nhất hai người chơi hoặc hàng triệu người tham gia.
  2. Trò chơi tổng khác không: mô tả một tình huống trong đó các khoản lãi và lỗ tổng hợp của các bên tương tác có thể nhỏ hơn hoặc nhiều hơn 0. Đơn giản là số điểm hoặc số tiền thắng được của người này không phải là số tiền hoặc số điểm mất đi của người khác. Do đó thay đổi ròng về tài sản hoặc lợi ích khác không. Giống như tổng bằng không, trò chơi tổng khác không có thể gồm 2 hoặc hàng triệu người tham gia.

THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ TRÒ CHƠI GÌ

Thị trường chứng khoán rất rộng lớn nên thực tế là sẽ có những loại hình khác nhau trong nó. Thị trường quyền chọn và hợp đồng tương lai là các ví dụ về các “Trò chơi có tổng bằng không”. Vì các quyền chọn và hợp đồng tương lai về cơ bản là đánh cược về mức giá tương lai của một mặt hàng nhất định trong khoảng thời gian cố định. Như vậy khi một người kiếm được tiền thì sẽ có một người khác chịu lỗ tương ứng. Ngoài ra thì việc giao dịch bằng phương pháp lướt sóng trên thị trường chứng khoán cơ sở cũng có thể coi là một “Trò chơi có tổng bằng không”.

Vậy có tình huống nào mà ở đó thị trường chứng khoán là “Trò chơi có tổng khác không” không? Câu trả lời là CÓ!

Bạn nhớ về việc tung đồng xu chứ, chúng ta thử cá cược với nhau một trò chơi như sau. Giả sử mỗi lần ra ngửa bạn được tôi trả 1.000 đồng, còn sấp thì bạn mất 1.000 đồng. Đây sẽ là một trò chơi có tổng bằng không nếu chúng ta cứ tung như vậy. Có thể hôm nay bạn thắng nhưng ngày mai bạn lại thua tôi. Về lâu dài, nếu chúng ta cứ chơi như vậy đến hết đời thì cuối cùng tiền ai cũng về nhà nấy.

Nhưng nếu giả sử tôi với bạn tổ chức một chương trình gameshow và với mỗi lượt người xem thì cả tôi và bạn đều được chia tiền thì đó chính là một trò chơi có tổng khác không. Dù tôi thắng hay bạn thắng thì chúng ta vẫn có tiền.

Trong chứng khoán việc đầu tư dài hạn vào những doanh nghiệp tốt là một tình huống có tổng dương vì dòng vốn tạo điều kiện cho sản xuất, tạo ra việc làm. Các việc làm này lại tạo ra sản xuất, thu nhập và lợi nhuận quay trở lại đầu tư theo chu kì mới. Hơn thế nữa, cổ tức cũng là một yếu tố cần được nhắc đến khi nghiên cứu. Khi các doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận từ việc kinh doanh, họ sẽ chia sẻ một phần lợi nhuận này với các cổ đông dưới dạng cổ tức. Đây là một “Win-Win Situation”. Là một tình huống nữa khiến cho việc đầu tư dài hạn vào chứng khoán là một “Trò chơi có tổng khác không” thậm chí là “Trò chơi có tổng dương”.

BÍ MẬT CỦA QUẢN LÝ VỐN

Đến đây, nếu tạm coi là với phương pháp đầu tư dài hạn thì chứng khoán là một trò chơi có tổng dương thì có nghĩa về mặt xác suất chứng khoán là một trò chơi có tỷ lệ lớn hơn 50/50. Bởi vì không có doanh nghiệp nào muốn tự mình làm ăn thua lỗ cả. Tất nhiên là phải có kỹ thuật, tâm lý và quản lý vốn tốt thì bạn mới có phương pháp giao dịch để tạo ra xác suất trên 50% .

Lại quay lại với việc tung đồng xu, lần này bạn đấu với Mr. Market. Mỗi giao dịch của bạn là 1 lần tung đồng xu. Nếu ngửa thì lãi còn sấp thì lỗ. Vậy thì để cho xác suất xảy ra bạn phải tung càng nhiều lần càng tốt. Vì bạn biết rằng tỷ lệ chiến thằng của mình là trên 50% nên càng tồn tại trên thị trường lâu thì xác xuất chiến thắng của bạn càng cao. Tuy nhiên xác suất không hoạt động theo kiểu 50 lần thắng liên tiếp sẽ thua 50 lần liên tục tiếp theo. Có thể sẽ xảy ra trường hợp trên 100 giao dịch, bạn thắng 10 lần, thua 20 lần rồi thắng 30 lần và lại thua 5 lần…

Việc all-in vào một mã hay giao dịch khối lượng chênh lệch giữa các mã trong danh mục sẽ khiến cho cơ hội xảy ra xác suất chiến thắng của bạn thấp. Kiểu như có khi lúc thắng được 1.000 đồng thì thua lại đến cả 3.000đ. Nói nôm na là khi chưa tung đủ 100 lần thì bạn đã hết tiền để tung rồi.

VÍ DỤ THỰC TẾ

Dưới đây là kết quả của danh mục những mã cổ phiếu Việt Nam tôi khuyến nghị trong group riêng

Bạn có thể thấy là mặc dù tổng của danh mục vẫn là dương nhưng trên tổng 23 mã thì có đến 4 mã âm. Tất nhiên là công ty nào cũng tốt ở trong thời điểm phân tích thì tôi mới khuyến nghị mua. Nhưng giả sử bạn chỉ chọn lọc một vài mã trong này để mua theo một phân tích riêng hoặc cảm tính gì đó. Chẳng may nó lại trùng hợp vào những mã đang âm. Thì trường hợp xảy ra là cùng nhận được những khuyến nghị như nhau nhưng có người lãi có người lại lỗ. Tệ hơn nữa mặc dù có khuyến nghị hàng tuần nhưng sau khi lỗ bạn đã không còn tiền để làm lại.

Tất nhiên sẽ có những suy nghĩ như giả sử bạn chỉ mua một ít mã nhưng nó lại trúng những mã lãi lớn như NHA, CAP, IDV… thì sao. Rõ ràng là bạn sẽ được nhiều tiền hơn vì không phải chịu lỗ. Nhưng sự thật là tất cả những mã ở trên được tôi phân tích theo 1 phương pháp, tức là nó tốt ngang nhau ở thời điểm mua. Và việc mua nhiều mã là cách để tôi tự bảo vệ mình nếu phân tích đi theo hướng xấu. Đơn giản vì tôi là người đầu tư chứ không phải một con bạc. Việc đầu tiên tôi nghĩ đến khi xuống tiền là rủi ro chứ không phải lợi nhuận.

TỔNG KẾT

Như vậy khi tham gia đầu tư vào thị trường chứng khoán, nếu bạn không có nhiều kinh nghiệm thì chỉ cần tránh xa những “Trò chơi có tổng bằng không”. Thêm nữa, hãy chọn cách đầu tư dài hạn, đừng mua những cổ phiếu mà bạn nghĩ đây là giá tốt nhất rồi và một thời gian sau bạn có thể xả lên đầu người khác. Một cổ phiếu tốt là một cổ phiếu mà người mua ở mức giá nào cũng là giá tốt.

Ngoài ra sau khi lập danh mục đầu tư, hãy xác định khối lượng vào lệnh bằng nhau ở mỗi lần giao dịch. Khối lượng ở đây là tiền chứ không phải số lượng cổ phiếu. Ví dụ, bạn xác định mỗi lần giao dịch chỉ dùng 5 triệu đồng, thì mã nào cũng phải giao dịch khoảng từng đó. Điều này đảm bảo cho xác suất chiến thắng của bạn cao hơn.

Bài này đến đây là hết, nếu có bất cứ thắc mắc hay góp ý gì hãy để lại bình luận cho tôi nhé. Ở đây hoặc Twitter của tôi nhé.

See you and good luck!