Nghỉ hưu sớm không ?

Đây không phải là câu hỏi. Đây cũng không phải là câu hỏi tu từ. Đây chính xác là một lời rủ rê. Tôi rủ bạn nghỉ hưu sớm. Hãy tạm quên đi những định kiến bạn đã nghe về nghỉ hưu sớm. Tôi sẽ phân tích lại từ đầu khái niệm này nhé. Zô.

Quảng cáo

NGHỈ HƯU SỚM

Phong trào nghỉ hưu sớm đang nhen nhóm trở lại thành một xu hướng mới ở thời điểm này. Thực tế “Nghỉ hưu sớm” là cái tên đã được dịch ra tiếng Việt. Còn tên đầy đủ của nó là Financial Independent, Retire Early (Viết tắt là FIRE). Chỉ biết là nó xuất hiện ở phương Tây, cũng không chắc là từ bao giờ nữa. Có nguồn thì nói là khoảng những năm 90, có nơi thì lại bảo là khoảng những năm 2010.

Nhưng dù nó có xuất hiện từ bao giờ đi nữa thì những năm trở lại đây nó lại một lần nữa trở thành một vấn đề gây tranh cãi. Có nhiều tranh cãi về cách thức và ý nghĩa phía sau . Nhưng không thể phủ nhận là FIRE đang dần trở nên có sức ảnh hưởng hơn trong cộng đồng những người trẻ thế hệ Y, Z.

Tuy nhiên, nghe thì nhiều nhưng hiểu về nó thì lại không có nhiều. Đáng nói là kể cả các chuyên gia tài chính cũng chưa thực sự hiểu thế nào là nghỉ hưu sớm. Mấu chốt của vấn đề thực ra đơn giản ở câu chữ thôi. Thế nào là “nghỉ hưu”?

Thường thì sau một thời gian công tác người lao động ở Việt Nam sẽ được hưởng chế độ hưu trí, gọi nhanh là nghỉ hưu. Thường là 60 tuổi với nam giới và 55 tuổi đối với phụ nữ. Chế độ hưu trí là một phúc lợi xã hội được quy định trong pháp luật. Căn bản là vì ở độ tuổi đó con người có thể sẽ không có đủ sức khỏe thể chất hoặc tinh thần để tiếp tục lao động chuyên môn nữa. Vì thế tốt nhất là chúng ta nên nghỉ ngơi.

NGHỈ LÀ KHÔNG LÀM GÌ ?

Đối với hầu hết mọi người thì nghỉ hưu là thời gian nghỉ ngơi không làm gì sau mấy chục năm cống hiến. Vậy thì nghỉ hưu sớm là nghỉ trước độ tuổi đó. Chính xác là như vậy. Thế còn những ý kiến chỉ trích về việc nghỉ hưu sớm là do đâu? Là do họ cho rằng đang trong độ tuổi lao động mà nghỉ sớm không làm gì thì xã hội sẽ không phát triển… Nhưng đó không phải là mục tiêu của FIRE.

Mục tiêu của FIRE là nghỉ hưu sớm để sau đó làm những việc mình thích.

Nếu bạn thích trở thành nhà văn, họa sỹ, thích mở quán cafe, trở thành youtuber…. hoặc bất cứ công việc gì mà trước đây bạn chưa có điều kiện để thực hiện thì FIRE là một cách để bạn làm được điều đó. Lấy ví dụ bạn muốn mở quán cafe đi. Bạn rất thích nhưng điều kiện hiện tại lại không cho phép. Thứ nhất là hiện tại công việc đã quá bận rộn, thứ hai là không có tiền mở chẳng hạn, thứ ba là không có thời gian để học về việc kinh doanh cafe… Vân vân các lý do thứ ba thứ bốn.

Hoặc bạn muốn trở thành một youtuber, làm youtuber khó và ít tiền thì bạn biết rồi đấy. Chẳng lẽ bỏ công việc hiện tại để đi làm youtube, cũng chưa biết có đủ ăn không nữa. Hay là chờ đến khi 50-60 tuổi nghỉ hưu theo quy định của nhà nước rồi mới làm. Cứ bỏ qua yếu tố công nghệ đi, liệu lúc đấy bạn còn đủ sức quay và edit video cả ngày không? Thế nhưng nếu vẫn muốn sống với đam mê mà không phải lo lắng về tiền bạc nữa thì ta có FIRE.

Trở lại với định nghĩa của FIRE – Financial Independent, Retire Early. Financial Independent có nghĩa là bạn phải đạt được mục tiêu độc lập về tài chính trước đã. Một khi bạn đã có đủ tiền để trang trải cuộc sống thì lúc đó bạn có thể làm mọi việc mà mình muốn và không bao giờ phải lo về việc kiếm tiền nữa. Mà muốn làm mọi việc mình thích thì phải có thời gian và sức khỏe. Thế nên tốt nhất là làm sớm, thế là ta có vế Retire Early.

LƯƠNG HƯU

Nghỉ hưu thì phải có lương hưu. Nghỉ hưu sớm cũng phải thế, không có tiền thì còn không sống được chứ đừng nói đến việc làm những gì mình thích. Để có lương hưu thì bạn phải xây dựng tài sản của mình sao cho tài sản đấy sinh lời với mức lớn hơn mức chi tiêu của bạn. 4% là con số cần phải nhớ.

Đầu tiên hãy tính toán xem mức chi tiêu 1 năm của bạn là bao nhiêu. Ví dụ, các chi phí cơ bản để trang trải cuộc sống của bạn (bao gồm tiền ăn, ở, điện nước, xăng xe, điện thoại, internet…) là 5 triệu đồng. Như vậy 1 năm bạn tiêu hết 5 x 12 = 60 triệu. Nếu 1 năm bạn tiêu hết 60 triệu thì số tài sản bạn cần phải có trước khi nghỉ hưu là 60 x 25 = 1 tỷ 500 triệu. Tất nhiên số tiền 1.5 tỷ này không được nằm trong két sắt mà phải được sử dụng để đầu tư với tỷ suất sinh lời lớn hơn 4% một năm.

Ví dụ, đơn giản nhất là bạn gửi ngân hàng lấy lãi 7%/năm. Vậy mỗi năm bạn sẽ có tiền lãi là 1.5 tỷ x 0.07 = 105tr. Mà bạn chỉ tiêu hết có 60 triệu (tương đương với 4%) nên bạn vẫn còn 45tr (tương đương với 3%) để tiếp tục sinh lãi kép. Tóm lại là nếu bạn chỉ tiêu 4% tài sản của mình mỗi năm mà tài sản ấy lại có mức sinh lời lớn hơn 4% thì bạn sẽ được làm những gi mình thích mà không quan tâm đến việc kiếm tiền nữa. Tất nhiên tôi chưa nhắc đến yếu tố lạm phát, yên tâm sẽ có ngay sau đây.

8%

Để Việt hóa FIRE thì tôi đã tính thêm cả yếu tố lạm phát của đồng tiền Việt Nam. Tạm coi tỷ lệ lạm phát mà chúng ta vẫn biết đến là 4%/năm. (Giải thích nhanh: “Giả sử năm nay bạn có 100k cất két thì 100k đấy sang năm chỉ mua được số hàng hóa trị giá 96k thôi”). Bạn có thể xem dữ liệu của Tổng cục thống kê tại đây. Vậy thì để chắc ăn hơn, tài sản của bạn phải mang lại mức sinh lời lớn hơn 8% một năm. Việc này có khó không, xin thưa là không hề. Hãy xem những biểu đồ dưới đây.

VNINDEX

Nếu lấy mốc thấp nhất là năm 2002 với mốc 275 điểm và cao nhất là ở thời điểm viết bài này ở mốc 1313 điểm. VNIndex có mức tăng trưởng trung bình là 17% một năm. Bỏ xa con số 8%. Nếu danh mục của bạn không theo được xu hướng của thị trường chung thì tôi lại phân tích quỹ ETF lâu đời nhất ở Việt Nam.

E1VFVN30

Lấy mốc thấp nhất ở năm 2014 với giá 9.900đ và cao nhất hiện tại ở giá 23.800đ. Quỹ này có mức tăng trưởng bình quân 20%/năm. Thậm chí còn vượt cả thị trường chung. Còn đơn giản hơn nữa, nếu bạn không đầu tư cổ phiếu mà chỉ mua quỹ trái phiếu thôi thì cũng vẫn tốt.

TCBF

Đây là biểu đồ tăng trưởng của quỹ trái phiếu TCBF. Lấy mốc thấp nhất tại năm 2015 và cao nhất ở 2021. Trung bình TCBF mang lại mức sinh lợi 8.8%/năm.

Vì phạm vi thời gian chưa đủ dài nên tôi sẽ không phân tích những quỹ ETF khác mặc dù cũng có mức sinh lời khoảng 15%/năm. Ngoài ra thì trái phiếu doanh nghiệp cũng là một kênh đầu tư cho mức sinh lợi khoảng 9-10%/năm. Nói vậy để thấy rằng việc đạt được mức sinh lợi lớn hơn 8%/năm trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại là hoàn toàn khả thi.

FIRE LÀ MỘT LỐI SỐNG

Trào lưu thì chỉ tồn tại được trong ngắn hạn. Như vậy nếu chỉ coi FIRE là một trào lưu thì bạn sẽ không đi được đến cái đích cuối cùng của nó. Hãy coi FIRE như một lối sống, nếu bạn yêu thích sự tự do cũng như sự ràng buộc mà nó mang lại. Để có được số tài sản đủ lớn để dành cho nghỉ hưu thì bạn phải chi tiêu đúng cách. Đừng tiêu hết tất cả những gì mình kiếm được từ hôm nay. Đúng như vậy, thử nhìn vào công thức dưới đây:

  • Nếu tỷ lệ tiết kiệm của bạn là 10% thì bạn sẽ mất (1-0.1)/0.1 = 9 năm đi làm để đủ tiền cho 1 năm chi tiêu sau nghỉ hưu.
  • Nếu tỷ lệ tiết kiệm của bạn là 20% thì bạn sẽ mất (1-0.2)/0.2 = 4 năm đi làm để đủ tiền cho 1 năm chi tiêu sau nghỉ hưu.
  • Nếu tỷ lệ tiết kiệm của bạn là 50% thì bạn sẽ mất (1-0.5)/0.5 = 1 năm đi làm để đủ tiền cho 1 năm chi tiêu sau nghỉ hưu.
  • Nếu tỷ lệ tiết kiệm của bạn là 70% thì bạn sẽ mất (1-0.7)/0.7 = 0.4 năm = 5 tháng đi làm để đủ tiền cho 1 năm chi tiêu sau nghỉ hưu.

Đến đây lại phải thanh minh cho FIRE một tí. Vì tài liệu về FIRE chủ yếu là bằng tiếng Anh nên khi biên dịch lại về tiếng Việt họ lười biếng dịch chữ “Saving” ra đơn thuần là “Tiết kiệm”. Khổ thế chứ. Nếu nghiên cứu sâu về FIRE thì bạn sẽ hiểu rằng “Saving” mà FIRE nói đến không chỉ là “Tiết kiệm” mà nó còn là cả “Đầu tư” nữa. Bảo sao họ cứ trách móc FIRE là sống mà cứ chi tiêu dè sẻn “Tiết kiệm” đến mấy chục % thì sống làm gì cho nó khổ.

Tóm lại là, bất kể bạn sinh hoạt chi tiêu kiểu gì. Số tiền mà bạn chừa lại để tạo ra cái khối tài sản nghỉ hưu càng lớn càng tốt. Làm ra được 10 đồng chỉ tiêu 3 đồng, đầu tư hết cả 7 đồng thì tuyệt vời.

Đến đây bạn có thể nghĩ là nếu giả dụ số tiền tôi làm được ít quá, tôi phải chi phần lớn để sống thì sao. Câu trả lời là không sao cả. Bạn phải sống tốt trước đã, còn lại bao nhiêu thì đầu tư. Nhưng không có nghĩa là chi tiêu quá thoải mái nhé. Kỷ luật đi liền với sức mạnh mà. Muốn sau sướng thì giờ phải bớt sướng đi một tí.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc hãy cố gắng gia tăng thu nhập của mình lên. Mấu chốt của việc này là tìm cho mình một con số phù hợp và đừng bao giờ tăng chi tiêu quá đáng khi tăng thu nhập. Những người gặp vấn đề về tài chính luôn như vậy. Cứ khi nào tăng thu nhập là lại tăng mức sống.

Ví dụ, bạn có thu nhập 5 triệu/tháng và hàng tháng chi tiêu hết 4 triệu. Không sao cả, bạn hãy dùng 1 triệu còn lại để đầu tư gia tăng tài sản. Nhưng khi thu nhập tăng lên 7 triệu hay 10 triệu thì hãy cố gắng đầu tư nhiều hơn thay vì chi tiêu.  

BẮT ĐẦU THAY CHO KẾT LUẬN

Để kết lại chủ đề này tại đây tôi chính thức rủ rê bạn sống kiểu FIRE giống tôi nếu bạn thấy nó đủ hấp dẫn. Việc bạn cần làm bây giờ chỉ là tính toán lại chi tiêu. Sau đó lên kế hoạch đầu tư cho tài sản nghỉ hưu của mình. Cũng đừng quên suy nghĩ đến những việc bạn muốn làm mà chưa bao giờ có cơ hội thực hiện khi phải đi làm 8 tiếng một ngày.

Bật mí là tôi dự định 9 năm nữa sẽ nghỉ và đang cố gắng đạt được con số đó. Đến lúc đấy tôi sẽ chăm viết bài hơn chứ không phải cả tháng mới được 1 bài như bây giờ :D. Ngoài ra thì tôi cũng đã lập 1 bảng tính toán số tiền cũng như số tuổi bạn có thể nghỉ hưu với từng mức đầu tư khác nhau. Chắc là vào nhóm để lấy file thôi chứ mấy lần gửi file qua email tôi cũng không giỏi lắm nên toàn làm thủ công hơi cùi bắp.

Chắc chắn là tôi sẽ trở lại với chủ đề này thêm nữa. Lần này cứ tạm thế nhé. Bai!