7 cấp độ đầu tư tài chính

Chắc là bạn cũng đã nghe đến cuốn “Cha giàu cha nghèo” của Robert Kiyosaki rồi đúng không. Nhiều lần tôi đã giới thiệu cuốn sách này để bắt đầu nếu bạn có ý định tìm hiểu về tài chính. Trong cuốn sách của mình Kiyosaki có nhắc đến một khái niệm là “7 cấp độ đầu tư”. Vì rất tâm đắc với nó nên nếu bạn chưa có thời gian đọc hết thì không sao. Hôm nay tôi sẽ tóm tắt nhanh nhé.

Quảng cáo

7 cấp độ này được Robert Kiyosaki phát triển dựa trên lý thuyết của John Burley. Tôi sẽ gọi là Level cho vui, bắt đầu nhé.

LEVEL 0 – NHỮNG NGƯỜI KHÔNG CÓ GÌ ĐỂ ĐẦU TƯ

Những người không có gì để đầu tư

Những người này không có tiền để đầu tư. Họ thường tiêu hết những gì kiếm được hoặc thậm chí còn tiêu nhiều hơn. Với những người ở nhóm này thì tiền không bao giờ là đủ. Những người này thường không có một kế hoạch tài chính nào cho mình cho nên việc tiêu xài với họ trở nên không kiểm soát. Đặc điểm chung của nhóm này là họ nghĩ vấn đề của họ sẽ được giải quyết khi có nhiều tiền hơn. Nhưng sự thật là càng có nhiều thì họ càng tiêu nhiều. Và tất nhiên câu trả lời của họ khi đứng trước một cơ hội đầu tư sẽ là “Tôi làm gì có tiền mà đầu tư” hay “Tôi còn chưa đủ tiêu đây này”. Và kết thúc luôn là “Bao giờ giàu tôi sẽ đầu tư ?!?!?”

Ví dụ: tôi lúc trước 20 tuổi

LEVEL 1 – NHỮNG NGƯỜI ĐI VAY

Những người đi vay

Những người này giải quyết vấn đề tài chính của mình bằng cách đi vay. Các hoạt động tài chính của họ là vay chỗ này đập chỗ kia. Mặc dù họ cũng có một số tài sản nhưng số nợ nần của họ lại quá nhiều. Phần lớn là vì họ không có ý thức về tiền bạc và thói quen chi tiêu của mình. Bất cứ thứ gì họ có được như nhà, xe, điện thoại, laptop… đều có các khoản nợ đi kèm.

Họ là nhóm người có thể kiếm được tiền. Đặc điểm nghề nghiệp của những người này là họ gắn bó với một công việc duy nhất. Do đó họ trở nên rất giỏi trong chuyên môn của mình. Nhưng họ không cách xa mấy sự phá sản nếu có một biến động về thị trường hay một tai nạn nghề nghiệp đến với họ. Họ có một vẻ ngoài thành công với rất nhiều tiêu sản đắt tiền nhưng đằng sau đó cũng là những khoản nợ khủng khiếp.

Ví dụ: bạn tôi tên Mạnh

LEVEL 2 – NHỮNG NGƯỜI TIẾT KIỆM

Những người tiết kiệm

Những người này để dành một khoản tiền nhỏ, thường là trên cơ sở định kỳ. Số tiền này có độ rủi ro và lợi nhuận thấp như tài khoản tiết kiệm. Hoặc là họ sẽ gửi nó ở ngân hàng hoặc một quỹ tương hỗ nào đó. Những người này thường tiết kiệm để tiêu dùng hơn là để đầu tư. Ví dụ như tiết kiệm đến khi đủ tiền để mua nhà, mua xe, đi du lịch… Họ rất sợ cho vay và phải nợ nần. Vì thế họ thích tính an toàn của tiền gửi ngân hàng.

Thực chất là trong thời buổi kinh tế hiện nay thì tiết kiệm có thể đem lại thu nhập âm (vì tính lạm phát) nhưng họ vẫn chấp nhận những rủi ro đó. Tất nhiên đến cuối đời họ vẫn sẽ có được một số tài sản nhất định nhưng có vẻ đối với họ thì làm việc là để sống chứ không phải sống là để trải nghiệm. Tuy nhiên, dù sao thì tiết kiệm vẫn tốt hơn nhiều là không làm gì cả hay là đi vay mượn.

Ví dụ: bà ngoại tôi

LEVEL 3 – NHỮNG NHÀ ĐẦU TƯ KHÔN NGOAN

Những nhà đầu tư khôn ngoan

Nhóm này có ý thức rõ về nhu cầu đầu tư. Nhìn chung, họ là những người thông minh có nền học vấn vững vàng. Tuy nhiên, họ thiếu kiến thức về đầu tư tài chính hoặc không có sự “tinh vi chuyên nghiệp” của giới đầu tư. Nhóm này được chia ra làm ba loại. Họ đều là những người khôn ngoan, được giáo dục và có thu nhập cao. Họ tham gia hoạt động đầu tư nhưng có nhiều điểm khác biệt.

  1. Nhóm” không thể bị làm phiền”. Những người này luôn tự thuyết phục bản thân rằng họ không hiểu biết về tiền. Họ khẳng định thêm việc đó bằng việc tránh xa việc tìm hiểu về kiến thức tài chính. Những người này chỉ biết để tiền một chỗ hoặc chuyển cho những dịch vụ tài chính. Họ gạt tương lai tài chính ra khỏi đầu óc, ngày qua ngày họ làm việc chăm chỉ và tự nhủ rằng ít nhất thì mình cũng đang kiếm được tiền mà.
  2. Nhóm của những người hoài nghi. Những người này biết hết mọi lý do tại sao một khoản đầu tư sẽ bị thất bại. Họ có vẻ thông minh, lý luận chặt chẽ. Họ thường nhảy vào thị trường khá muộn khi có sự biến động lớn. Họ chờ đợi đám đông hay có chứng cứ rõ ràng về quyết định đầu tư của họ là đúng. Những người này thường có mặt ở khắp mọi nơi, ưa nghe các vụ bê bối để “truyền bá” đi nhưng họ hầu như không có thành quả gì đáng kể về tài chính. Người đa nghi rất dễ khám phá ra những gì sai lầm, đó chính là cách họ tự bảo vệ mình không bị lộ tẩy sự thiếu hiểu biết của mình. Đặc điểm của những người này là mặc dù ý thức được về sự cần thiết của đầu tư tài chính nhưng họ gần như không bao giờ tự mình đầu tư bất cứ cái gì. Những người này thận trọng đến mức tiêu cực, ở đâu có những sự thất bại về đầu tư là ở đó có những người này. Họ xuất hiện ở đó để nói là “Đấy tôi biết ngay mà”.
  3. Nhóm của những người cờ bạc: Trong khi những người ở nhóm “hoài nghi” quá cẩn thận thì những người ở nhóm này không cẩn thận cho lắm. Họ xem xét thị trường chứng khoán và các thị trường đầu tư khác như khi đánh bạc ở sòng bạc. Đó chỉ là việc trông chờ sự may mắn, tung xúc xắc và cầu nguyện. Nhóm này không có các nguyên tắc kinh doanh hay một quy tắc đầu tư nào cả. Thay vì cần phải có sự cần mẫn dài hạn để học hỏi và hiểu biết, họ chỉ quan tâm đến những “mánh” hay những đường tắt. Đặc điểm của nhóm này là muốn đạt kết quả thật cao nhưng phải trong thời gian thật ngắn. Nôm na là thích “giàu nhanh”. Đó là lý do họ thường tham gia vào những loại hình đầu tư mạo hiểm, rủi ro lớn.

Ví dụ: bà bán bún ngan gần nhà tôi – bán hết cửa tiệm mua bitcoin

LEVEL 4 – NHỮNG NHÀ ĐẦU TƯ DÀI HẠN

Những nhà đầu tư dài hạn

Những người này biết rất rõ tầm quan trọng của đầu tư. Họ chủ động tham gia vào các quyết định đầu tư của mình. Họ thường có kế hoạch đầu tư dài hạn giúp họ đạt được những mục tiêu tài chính của mình. Nhóm này thường đầu tư cho việc học hành của mình trước khi tham gia vào các hoạt động đầu tư thực sự. Họ nắm chắc lợi thế của hoạt động đầu tư dài hạn và quan trọng nhất là họ biết tìm kiếm tư vấn từ những chuyên gia có kinh nghiệm tài chính. Điều khác biệt lớn nhất của cấp độ này họ đầu tư cho kiến thức trước tiên, vì nếu thiếu nó ranh giới giữa đầu tư và cờ bạc có thể bị phá vỡ bất cứ lúc nào.

Ví dụ: bạn bè xung quanh tôi ở thời điểm này

LEVEL 5 – NHỮNG NHÀ ĐẦU TƯ TINH VI

Những nhà đầu tư  tinh vi

Những nhà đầu tư này cố gắng tìm kiếm thật nhiều chiến lược đầu tư lớn và mạo hiểm hơn. Lý do là họ có thói quen làm việc với tiền rất tốt, có một nền móng tài chính vững chắc và có những hiểu biết về đầu tư. Họ có một thành tích chiến thắng dài, có một bề dày kinh nghiệm rút ra từ trong quá khứ.

Những nhà đầu tư này thường kết hợp các khoản đầu tư lại với nhau để đạt được mục đích của mình. Họ chuyên nghiệp ở mức đủ để tham gia mối đầu tư nếu những người bạn level 6 của họ cần vốn. Những người này kiểm soát được tỉ lệ vốn/nợ của mình, có nghĩa là họ thu nhập nhiều hơn so với mức phí sinh hoạt hằng ngày. Họ cẩn thận nhưng không đa nghi, và luôn mở rộng đầu óc của mình.

Những nhà đầu tư này được gọi là chuyên nghiệp là bởi vì họ có dư tiền, có một đội ngũ cố vấn chuyên nghiệp mà họ tự tay lựa chọn và một kỷ lục chứng minh những thành công của họ. Họ có thể lắp ráp các khoản đầu tư khác nhau thành một mối đầu tư lớn. Họ nhảy vào thị trường khi người khác nhảy ra. Và tất nhiên họ thường biết khi nào nên nhảy ra. Ở cấp độ đầu tư này, một chiến lược thoát ra còn quan trọng hơn chiến lược nhảy vào. Họ rất rõ ràng về những nguyên tắc hay những quy luật của chính họ về đầu tư. Họ có một kế hoạch và những mục tiêu cụ thể.

Ví dụ: Warren Buffett

LEVEL 6 – NHỮNG NHÀ ĐẦU TƯ THỰC THỤ

Những nhà đầu tư thực thụ

Rất ít người đạt được cấp độ đầu tư này. Cứ mỗi 100 người thì chưa đầy 1 người là nhà đầu tư thực thụ. Những người này có thể cùng lúc tự rạo ra một cơ hội kinh doanh và một cơ hội đầu tư. Mục đích của những nhà đầu tư thực thụ là tạo ra nhiều tiều hơn bằng tiền, bằng thời gian và tài năng của người khác. Họ là những người góp phần làm cho nước nhà trở thành cường quốc tài chính. Đây chính là những người đã cung cấp tiền để tạo ra việc làm, công việc kinh doanh và hàng hóa, tạo nên một sự phát triển thịnh vượng cho đất nước.

Những nhà đầu tư level 5 chỉ tạo ra cơ hội kinh doanh cho riêng mình, dùng tiền của mình. Trái lại những nhà đầu tư cấp độ này lại tạo ra cơ hội đầu tư cho mình và những người khác bằng cách sử dụng tài năng và tài chính của người khác. Họ sẽ đi đến những nơi mà hầu hết những người khác đều né tránh, tiếp cận những cơ hội không ai nhận ra. Trò chơi trong cuộc đời họ chính là trò chơi tiền đẻ ra tiền. Cho dù thắng hay thua họ đều nói “Tôi thích trò chơi này”. Và đó chính là những gì tạo nên một nhà đầu tư thực thụ.

Ví dụ: Jeff Bezos

TỔNG KẾT

Trên đây là 7 cấp độ đầu tư đã được Robert Kiyosaki đưa ra trong “Cha giàu cha nghèo”. Hy vọng sẽ giúp cho bạn định vị lại bản thân mình đang ở cấp độ nào. Lời khuyên của tôi là nếu bạn đang ở những level thấp thì hãy cố gắng đạt được level 4 nhanh nhất có thể. Nếu bạn chưa là một người đầu tư dài hạn, bạn hãy tự mình đến đó càng nhanh càng tốt. Điều đó có nghĩa là bạn hãy vạch ra một kế hoạch, kiểm soát những thói quen tiêu xài của mình, giảm mức nợ xuống đến mức tối thiểu. Bậc đầu tư này đòi hỏi sự kiên nhẫn và biết tận dụng thời gian.

Nếu bạn biết đầu tư sớm và đều đặn, bạn có thể trở nên giàu có. Nếu bạn bắt đầu muộn, chẳng hạn khi đã lớn tuổi, thì tỷ lệ thành công và kết quả của bạn sẽ thấp hơn. Bất cứ ai có mục tiêu trở thành nhà đầu tư level 5 hay level 6 đều bắt buộc phải phát triển kỹ năng của mình trước hết ở level 4.

Bạn đang ở level nào và kế hoạch tài chính của bạn thế nào? Hãy chia sẻ với tôi nhé! Hẹn gặp lại ở bài sau.