Chứng khoán 101(P.1) – Đầu tư tài chính

Bạn đã từng nghe thấy khái niệm đầu tư chứng khoán rồi phải không? Nhưng có vẻ nó cứ khó khó thì phải. Bắt đầu từ bài này tôi sẽ thực hiện 1 series về đầu tư chứng khoán cho người mới. Quyết tâm xóa mù chứng khoán cho tất cả mọi người. Series dành cho người mới tinh chưa biết nhiều nên bạn yên tâm sẽ cực kỳ dễ hiểu nhé. Bắt đầu thôi.

Quảng cáo

ĐẦU TƯ

Đầu tiên chúng ta phải hiểu đầu tư là gì đã. Theo cuốn Investments của Bodie, Kane và Marcus thì

Đầu tư là việc chấp nhận sử dụng tiền hoặc các nguồn lực khác ở hiện tại với kỳ vọng thu về các lợi ích trong tương lai. Ví dụ, một cá nhân có thể mua cổ phần của công ty với kỳ vọng dòng thu nhập tương lai mà cổ phần đem lại sẽ phản ánh cả chi phí về thời gian của tiền cũng như rủi ro của việc đầu tư.

Thời gian bạn hao phí cho việc học quyển sách này (chưa kể đến chi phí cho mua nó) cũng là một khoản đầu tư. Bạn đang từ bỏ hoặc là sự nhàn nhã ở hiện tại hoặc là khoản thu nhập mà bạn kỳ vọng nhận được từ công việc với kỳ vọng rằng, nghề nghiệp tương lai của bạn sẽ bù đắp đủ cho những hao tổn về thời gian và sự nỗ lực của bạn. Dù hai khoản đầu tư này có nhiều điểm khác nhau nhưng chúng có cùng một thuộc tính then chốt vốn là nòng cốt của tất cả các khoản đầu tư: Bạn hy sinh một cái gì đó có giá trị bây giờ, với kỳ vọng sau này sẽ thu được lợi ích từ sự hy sinh đó.

Đến đây thì cảm ơn bạn đã theo dõi blog của tôi suốt thời gian qua. Vì chắc hẳn để hy sinh thời gian của mình hẳn bạn đã kỳ vọng sẽ thu được một cái gì đó lớn hơn. Chính vì vậy nghĩa vụ của tôi sẽ phải là giúp bạn thu được phần lợi suất đó. Cụ thể ở đây là tiền. Ít nhất thì cũng phải có giá trị hơn thời gian bạn dành cho tôi. Tất nhiên là ở phạm vi hiểu biết của mình, tôi tạm chỉ dám chia sẻ kiến thức về tài chính. Nên bạn hãy cứ quan tâm về tài chính trước đã nhé.

ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Vậy thì đầu tư tài chính có thể được hiểu là bạn dành thời gian, công sức hoặc tiền của mình để đầu tư và kỳ vọng khoản đầu tư đó sẽ mang lại nhiều tiền hơn cho bạn trong tương lai. Khoản đầu tư thất bại nghĩa là số tiền bạn thu được nhỏ hơn số tiền bạn bỏ ra. Hoặc thời gian công sức bỏ ra thì nhiều mà tiền thu lại thì ít hơn. Nói vuông là lỗ. Ngược lại nếu bạn bỏ 1 đồng nhưng thu lại được nhiều hơn 1 đồng thì nó là lãi. Hay nếu giỏi (hoặc may mắn) 1 vốn 4 lời thì quá tuyệt vời.

LỜI ĐỒN

Tuy nhiên có một số rào cản khiến bạn chưa thực sự bắt tay vào đầu tư. Bỏ qua vấn đề nguồn vốn hay thời gian thì thực tế nó lại là những lời đồn. Phổ biến nhất trong số đó là Đầu tư rất phức tạp và Đầu tư không khác gì đánh bạc.

Để phân tích bất cứ lời đồn đại nào chúng ta phải phân tích 3 vấn đề cốt lõi. Đó là “Ai là người đồn?“, “Ai được lợi từ lời đồn đó?” và “Bạn có được lợi gì từ lời đồn đó không?“. Nào cùng phân tích.

  1. Ai là người đồn?: Thông thường có 2 đối tượng tuyên truyền những lời đồn này. Một là những người không có mấy kiến thức về tài chính. Hoặc họ chưa từng tham gia hoặc là đã từng thất bại. Hai là những người có kiến thức và thậm chí đang hoạt động trong lĩnh vực này.
  2. Ai được lợi từ lời đồn đó?: Với đối tượng số 1 thì đó đơn giản là cách họ bảo vệ bản thân khỏi rủi ro. Và có thể là họ cũng muốn bảo vệ bạn nữa. Người ta thường sợ những gì mà người ta không hiểu mà. Hay như anh em hay có câu “Không quản lý được thì cứ cấm cho chắc”. Nhưng người được lợi thực sự về mặt vật chất từ những lời đồn này thực ra chính là những người trong ngành. Đơn giản là nếu bạn không có kiến thức và bộ môn này phức tạp như vậy thì tội gì không nhờ người có chuyên môn hơn làm giúp mình. Đó là lý do những quỹ đầu tư ra đời. “Hãy để những chuyên gia hàng đầu của chúng tôi quản lý và đầu tư tiền của bạn… chỉ với một chi phí nhỏ”. Quả là một lời mời gọi uy tín. Đó chính là bí mật của thị trường tài chính mà những tấm chiếu cũ không bao giờ muốn bạn biết.
  3. Bạn có được lợi gì từ lời đồn đó không?: Nếu không bao giờ đầu tư thì bạn sẽ không bao giờ phải chịu rủi ro thua lỗ. Đó là lợi ích nhỏ nhoi duy nhất nếu bạn tin những lời đồn này. Nhưng không có rủi ro thì sẽ không có lợi nhuận, đơn giản thế thôi.

Nếu thực sự những lời đồn đại ngăn cản bạn bắt đầu việc đầu tư thì sự thật có phải là Đầu tư không hề phức tạpĐầu tư không phải đánh bạc ?

ĐẦU TƯ LÀ MỘT CÔNG VIỆC NGHIÊM TÚC

Đầu tư tài chính thực sự không phải quá phức tạp nhưng nó cũng không hề đơn giản. Bạn phải nhìn nhận nó là một công việc nghiêm túc. Tưởng tượng thế này đi, mất khoảng 2 năm để học một nghề phổ thông nào đó. Nếu học cao đẳng thì 3 năm, học đại học thì mất 4 năm. Sau đó còn phải đi làm thêm 2-3 năm nữa mới được tạm gọi là biết làm việc thông thạo. Nếu xuất sắc thì khoảng 3 năm sau có thể gọi là lành nghề. Như vậy là mất khoảng 10 năm, mà trong đó bạn học tập và làm việc 8 tiếng/5 ngày một tuần.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn phải đi học thêm 1 văn bằng nữa để biết đầu tư. Tôi chỉ muốn nói là để thành thạo thì phải có kiến thức và kinh nghiệm làm việc. Cái hay của việc đầu tư là nó không yêu cầu bạn phải dành toàn bộ thời gian mình có cho nó. Chỉ cần dành thời gian vừa phải và đều đặn là bạn có thể trở nên thành thạo một ngày nào đó. Trung bình một nhà đầu tư sống sót 5 năm trên thị trường là đã được coi như già dặn. Hơn thế nữa, gần như mọi công việc trên thế giới này đều chỉ có khoảng 30-40 năm hành nghề. Sau đó thì bạn phải nghỉ hưu. Nhưng không luật pháp nào cấm bạn đầu tư kể cả khi bạn đã 90 tuổi.

ĐẦU TƯ KHÁC VỚI ĐÁNH BẠC

Về bản chất mà nói thái độ và kiến thức của bạn mới biến quyết định của mình thành một trò cờ bạc. Bạn cho là đánh bài là cờ bạc phải không? Thế có phải chúng ta nên gọi những vận động viên Poker chuyên nghiệp là những con bạc? Thế còn những nhà đầu tư nổi tiếng thế giới, có phải họ đều là những con bạc siêu may mắn? Thế còn cứ buôn bất động sản hay chứng khoán thì được gọi là đầu tư? Không hẳn đâu.

Để tôi nói bạn nghe. Thái độ của một người đầu tư khác với một con bạc là họ quản trị được rủi ro của mình. Tức là họ biết rằng họ có đủ dữ liệu và kiến thức cho một phi vụ không. Và khi xuống tiền ở một phi vụ này, nếu thắng thì được bao nhiêu và thua thì mất thế nào. Một con bạc thì chỉ nghĩ đến thắng chứ không bao giờ nghĩ đến thua. Đánh đề là một ví dụ, họ nghĩ là thua thì mất 1 đồng còn thắng thì được tận 70 đồng. Kèo có vẻ nghe khá ngon ăn…nhưng chưa đủ. Họ quên mất là có khi phải mất đến 80 hay 100 đồng thì mới được một lần ăn 70.

Quay lại ví dụ về đánh bài, cứ cho là bạn vẫn thấy đầu tư vẫn chưa khác với đánh bạc lắm đi. Thế này nhé, có phải khi đánh bài thì tất cả người chơi phải dấu bài của mình đi không. Và ai cũng muốn mình là người chiến thắng duy nhất. Điều đó khiến đánh bài là một trò chơi có tổng bằng 0. Ngược lại, khi đầu tư bạn đang chơi một ván bài nhưng bài đã ngửa hết ra trên bàn. Đó là báo cáo tài chính, biểu đồ kỹ thuật, xu hướng của nền kinh tế… Điều đó khiến việc lựa chọn một lĩnh vực đầu tư đúng đắn có thể khiến bạn được chơi một trò chơi có tổng lớn hơn 0. Tức là ai cũng là người chiến thắng.(Xem thêm Bí mật của quản lý vốn).

TẠM KẾT LUẬN

Trong bài này tôi đã đưa ra những luận điểm của cá nhân để bảo vệ lĩnh vực đầu tư tài chính. Ừ nhưng cứ cho đầu tư là không khó và không phải là cờ bạc đi. Thì bạn có thể quên luôn nó và từ nay về sau tập trung 100% vào công việc chuyên môn của mình được không nhỉ? Câu trả lời là không bạn ạ. Vì nếu chỉ biết đi làm mà không có kế hoạch tương lai thì nó cũng là một hình thức đánh bạc với cuộc đời mình thôi.

Lý do bạn nên đầu tư là vì không có gì chắc chắn rằng công việc của bạn sẽ mang lại thu nhập mãi mãi. Nhất là ở giai đoạn robot sắp sửa thay thế con người trong rất nhiều ngành nghề nữa. Tệ hơn nữa, 100 đồng bạn làm ra ngày hôm nay chỉ có giá trị 96 đồng vào năm tới nếu tính theo tỷ lệ lạm phát 4% của Việt Nam. Nghĩa là nếu cất tiền mặt trong tủ thì càng ngày nó càng mất giá trị. Vậy thì nếu được Tự do tài chính và thoải mái sống vui khỏe để làm những điều mình thích thì vẫn hay hơn đúng không?

Phần 1 kết thúc ở đây, phần 2 chuẩn bị viết xong rồi. Chờ tí nhé!

Bài sau: Chứng khoán 101(P.2) – Những loại hình đầu tư

1 bình luận về “Chứng khoán 101(P.1) – Đầu tư tài chính

Bình luận về bài viết này